24 năm sau ngày tái lập, cùng với những thành tựu phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có nhiều chuyển biến vững chắc và đạt được thành tựu đáng kể về nhiều mặt, góp phần thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Đến nay, quy mô giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển ổn định, đáp ứng hiệu quả nhu cầu học tập của xã hội; tỷ lệ huy động trẻ đi học ở các huyện miền núi và các vùng dân tộc thiểu số tương đương với đồng bằng nhờ chính sách cấp phát học bổng và tổ chức bữa ăn trưa tại trường cho tuyệt đại bộ phận học sinh mầm non, tiểu học là người dân tộc thiểu số. Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp ở các địa bàn trong tỉnh với nhiều phương thức và loại hình khác nhau; trong đó đã có sự ưu tiên đầu tư phát triển trường lớp ở các địa bàn khó khăn. Ở huyện đảo Trường Sa, từ năm 2007 đã tổ chức trường, lớp mầm non, tiểu học cho con em nhân dân trên các đảo học tập; còn ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã thực hiện tốt chủ trương “đưa trường đến gần dân”, đảm bảo các xã xa xôi nhất cũng đều có trường mầm non, tiểu học và nhiều xã đã có trường THCS và PTCS để học sinh đi học thuận tiện.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được bổ sung, đảm bảo về số lượng và nâng cao dần chất lượng. Cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học thường xuyên được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa; thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học và đồ chơi được mua sắm, cung cấp đều đặn hàng năm nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Công tác phổ cập giáo dục các cấp được đầu tư, chỉ đạo; hiện đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở. Công tác phổ cập giáo dục trung học đã được triển khai và đạt hiệu quả nhất định ở các địa bàn thuận lợi; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành các tiêu chuẩn và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra kỹ thuật, đánh giá tốt. Chất lượng giáo dục đại trà tương đối ổn định, khoảng cách chênh lệch về chất lượng văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn đã được rút ngắn đáng kể với nhiều giải học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa đại học và cũng đã có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc tế.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ: “Những thành quả trên của ngành giáo dục quả thực còn rất khiêm tốn so với các địa phương có truyền thống giáo dục lâu đời nhưng với Khánh Hòa lại rất đáng quý; thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ của các lực lượng xã hội vốn có truyền thống hiếu học và nhất là sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Tuy chưa thể sánh được với các địa phương có bề dày phát triển giáo dục nhưng hàng chục năm qua, Khánh Hòa đã thực hiện tốt “3 không”: không để học sinh thất học vì thiếu trường, không để thiếu giáo viên và không để xảy ra lớp học ca 3 hoặc tranh tre, nứa lá tạm thời.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, Đề án quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 – 220 và tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt với định hướng chung của ngành giáo dục là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Không ngừng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa, đảm bảo công bằng xã hội tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Ngoài ra tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư các nguồn lực phát triển giáo dục ở những địa bàn khó khăn, nhất là miền núi, hải đảo và các vùng dân tộc thiểu số để sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch chất lượng so với khu vực đồng bằng.
Kim Băng
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI