KHÁNH HOÀ

Nỗ lực khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

11:17:01 | 3/5/2013

Khánh Hòa là vùng “đất lành chim đậu” với nhiều hứa hẹn và tiềm năng chưa được khai thác. Chính điều này đã thôi thúc các ngân hàng thương mại (NHTM) đặt chi nhánh và mở rộng điểm giao dịch ở Khánh Hòa để đưa dịch vụ ngân hàng đến với đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.

Tăng trưởng ấn tượng

Nếu như 10 năm trước, năm 2002, hệ thống ngân hàng Khánh Hòa mới chỉ có 5 chi nhánh NHTM nhà nước, một chi nhánh NHTM cổ phần và 3 quỹ tín dụng với 39 điểm giao dịch thì đến cuối năm 2012, đã có mặt của 9 tổ chức tín dụng thuộc sở hữu Nhà nước, 26 chi nhánh NHTM cổ phần với 147 điểm giao dịch và 237 máy ATM phân bố rộng đến các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Với mạng lưới rộng khắp, hàng năm hệ thống ngân hàng Khánh Hòa hút một lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế thông qua các kênh huy động vốn và đầu tư trở lại nền kinh tế của tỉnh qua các hình thức cấp tín dụng khác nhau như: cho vay, chiết khấu, bảo lãnh, cho thuê tài chính. Nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng đã được người dân trong tỉnh sử dụng rộng rãi: tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, chuyển tiền…

Đặc biệt, chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trả lương qua tài khoản cho CBCNV hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả cao. Cụ thể tốc độ tăng trưởng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt từ 20% - 25%/năm; tỷ lệ CBCNV hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 80% (TP. Nha Trang đạt 95,8%).

Trong năm 2012, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, toàn ngành ngân hàng vẫn nỗ lực cung ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của khách hàng vay nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Đến ngày 31/12/2012, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất các hợp đồng cũ về mức tối đa 15%/năm đối với 29.918 khách hàng với tổng số tiền được điều chỉnh là 5.820 tỷ đồng; tỷ lệ dư nợ lãi suất từ 15% trở xuống chiếm 81,40%. Trong năm, đã có 81 doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ 743,37 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng dư nợ cho vay các doanh nghiệp.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn

Năm 2012, mặc dù toàn ngành ngân hàng Khánh Hòa nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các gói sản phẩm tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn từ 3% - 5%/năm... nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn năm 2012 chỉ đạt 9,33%/năm (mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 7 năm qua). Về vấn đề này, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa - ông Đoàn Vĩnh Tường lý giải: “Tài sản của doanh nghiệp được thế chấp cho các khoản vay trước đây đang trong tình trạng nợ xấu nên doanh nghiệp khó đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định để được ngân hàng tiếp tục cho vay nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh. Nợ xấu gia tăng nên các tổ chức tín dụng thận trọng hơn khi cho vay, điều kiện vay chặt chẽ hơn. Việc xử lý tài sản đảm bảo gặp khó khăn do thị trường bất động sản thanh khoản kém, quy định pháp luật còn nhiều điểm chưa cụ thể, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý tài sản. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, vốn trung và dài hạn chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng huy động đã hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn”.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2013 ngành ngân hàng Khánh Hòa tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Ngoài ra toàn ngành cũng sẽ chủ động phối hợp với khách hàng để giải quyết các vướng mắc phát sinh, triển khai các chương trình chính sách tín dụng của Chính phủ có hiệu quả, xử lý nợ xấu khơi thông nguồn vốn.

Tuy nhiên theo ông Tường, vấn đề chính là đầu ra của thị trường. Nếu doanh nghiệp chưa giải quyết được vấn đề hàng tồn kho, thị trường tiêu thụ, dù ngân hàng có giảm lãi suất mạnh thì doanh nghiệp cũng không dám vay vốn. Việc giảm lãi suất, ưu đãi khách hàng vay cũng tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng ngân hàng, tình hình cung cầu vốn và chỉ số lạm phát. Để giải quyết được các vấn đề này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành liên quan.

Kiên Cường