Việc đưa vào vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và trong tương lai gần là đường nối các cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Pháp Vân - Cầu Giẽ đang mở toang cánh cửa giao thương cho huyện Ân Thi. Vùng đất được lãnh đạo Tập đoàn Vingroup từng nhận xét: “Tương lai có vị trí đẹp nhất đồng bằng Bắc Bộ” này đang đứng trước cơ hội phát triển to lớn cả về nông nghiệp, công nghiệp lẫn dịch vụ. Đó là những có hội nào và Ân Thi sẽ tận dụng để bứt phá ra sao? Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi có buổi trao đổi với Tạp chí Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.
Xin ông cho biết những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Ân Thi đến năm 2020 và để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, huyện đang tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp nào?
Được xác định là địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên, huyện Ân Thi còn quỹ đất nông nghiệp lớn, trên 8 nghìn ha “bờ xôi, ruộng mật”. Khai thác thế mạnh này, trong giai đoạn 2016-2020, huyện sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Ân Thi sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cũng như các mô hình quản lý hiện đại, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Cùng với khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ, nhất là các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển các dự án chăn nuôi lợn, bò thịt, gia cầm, Ân Thi cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang được xác định là hướng đột phá thúc đẩy kinh tế trong tương lai gần. Trên cơ sở phát triển hệ thống giao thông, nhất là tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, huyện sẽ tiến hành quy hoạch các vùng công nghiệp, dịch vụ làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển các ngành nghề TTCN gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, TTCN và dịch vụ.
Việc phát triển giáo dục - đào tạo không chỉ coi trọng cân đối về quy mô, loại hình, tăng cường chất lượng, hiệu quả nhằm nâng cao dân trí mà còn chú ý tới việc đa dạng hoá các loại hình đào tạo nhằm đón đầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các dự án công nghiệp dịch vụ trên địa bàn.
Ông có thể cho biết quá trình triển khai, kết quả đạt được về cải cách hành chính (CCHC) của Ân Thi những năm gần đây?
Thực hiện Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 20/2/2012 của UBND tỉnh về CCHC Nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015 và Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 18/7/2014 của UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, UBND huyện Ân Thi đã xây dựng kế hoạch cho giai đoạn và từng năm, đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch hành động sát thực tế và triển khai một cách đồng bộ.
Trong quá trình triển khai, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa và một cửa liên thông” gắn với việc rà soát, đơn giản hoá TTHC. Các cơ quan, đơn vị đều niêm yết công khai các TTHC, mẫu tờ khai, lệ phí, quy trình giải quyết… tại trụ sở và phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đúng theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác. Huyện cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ, công chức tham gia các chương trình nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Cho đến nay, kết quả đạt được nổi bật trước hết là đã nâng cao được nhận thức của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, tạo sự hài lòng của doanh nghiệp, tổ chức, các nhân và nhân dân. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được củng cố mở rộng, phát huy tại huyện và 20 xã và thị trấn đã làm thay đổi cách thức, quy trình giải quyết TTHC, nâng cao ý thức trách nhiệm, rút ngắn thời gian nhận và trả hồ sơ; điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy và đổi mới, cải tiến chế độ làm việc và quan hệ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước.
Là huyện có thế mạnh nông nghiệp, huyện đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển. Tuy nhiên Ân Thi cũng đang đối mặt với bài toán khó trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, bài toán đó đang được các cấp chính quyền và nhân dân huyện nhà giải đáp ra sao?
Ân Thi là huyện nông nghiệp, chủ yếu là cấy lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh cũng như khu vực, nhưng giá trị kinh tế từ việc cấy lúa còn thấp. Đến năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm 32,15% cơ cấu kinh tế. Những năm gần đây cơ cấu nội ngành có chuyển biến tích cực theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, giảm tỉ trọng cây lương thực, tăng dần tỉ trọng rau quả, cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi thuỷ sản. Đặc biệt, từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư 47 về việc hướng dẫn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa, Ân Thi đã phê duyệt chuyển đổi 1.154,9 ha diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả, đến tháng 6/2016 đã thực hiện chuyển đổi được 314 ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã khai thác được thế mạnh đất đai, lao động, nguồn vốn và tổ chức sản xuất hợp lý. Các mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đã hình thành một số sản phẩm hàng hóa hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Điển hình như mô hình sản xuất tổng hợp trồng lúa kết hợp thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả cho doanh thu từ 350-400 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyên nuôi trồng thủy sản có diện tích nuôi thâm canh đạt trên 15 tấn/ha/năm, thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm… Đến nay, toàn huyện đã có 341 trang trại, gia trại trong đó có 56 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27 của Bộ NN& PTNT cho giá trị hàng hóa đạt từ 1 tỷ đồng trở lên, còn lại là các gia trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản doanh thu trên 700 triệu đồng,…
Huyện cũng đẩy mạnh phát triển các ngành nghề TTCN gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, giảm bớt thời gian lao động nhàn rỗi; đồng thời, tiến hành quy hoạch các vùng công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thiện đồng bộ và có chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp địa phương; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng trong khu công nghiệp và hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp với mục tiêu đề ra đến năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp-thuỷ sản tăng 2%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN-xây dựng 25%/năm, giá trị sản xuất dịch vụ tăng 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng.
Trên cơ sở đó, huyện đang và sẽ tích cực đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư; chú trọng việc thu hút và kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; đa dạng hóa các chương trình xúc tiến đầu tư. Huyện sẽ tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy mạnh công tác thu hút dự án đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân có đất chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ. Ân Thi cũng tạo điều kiện phát triển và nâng cao hiệu quả các thành phần kinh tế.
Huyện Ân Thi vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm tái lập (01/4/1996 - 01/4/2016), nhìn lại chặng đường phát triển hai thập niên vừa qua, ông có đánh giá hoặc chia sẻ điều gì?
20 năm - quãng thời gian không dài so với lịch sử hình thành và phát triển của huyện, song Ân Thi đã từng bước vượt khó đi lên, sánh vai cùng các huyện, thành, trong tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ: Đến năm 2015 so với năm đầu tái lập (1996), nông nghiệp giảm từ 62,3% xuống 32,15%; công nghiệp – xây dựng tăng nhanh từ 16,2% lên 33,82% và dịch vụ tăng từ 21,8% lên 34,03%. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 2,6 triệu lên 37 triệu đồng/năm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an ninh - quốc phòng được củng cố và giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng hoạt động có hiệu quả. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.
Có được kết quả đó có thể khẳng định: 20 năm qua, các cấp ủy trong huyện đã đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường hiệu lực của chính quyền trong quản lý đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản; chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính…
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo huyện, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong huyện và tận dụng những lợi thế sẵn có của huyện, Ân Thi sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ huyện lần thứ XV đề ra.