Trong điều kiện giá một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, ngành Tài chính Gia Lai đã thực hiện tốt dự toán thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) và đang tiếp tục nỗ lực tạo ngồn thu bền vững.
Thu NSNN bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Những năm gần đây, thu NSNN trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước, vượt dự toán HĐND tỉnh đề ra: năm 2015 là 3.263,98 tỷ đồng; năm 2016 là 3.696,223 tỷ đồng; năm 2017 là 4.262,496 tỷ đồng; năm 2018 là 4.500,871 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2019 là 4.556,193 tỷ đồng, bằng 93% so với dự toán HĐND tỉnh đề ra và năm 2020 dự kiến thực hiện 4.746/5.00 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai cho biết, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn. “Nếu không bị tác động bởi đại dịch Covid-19, ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn năm 2020 đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra 5.200 tỷ đồng thì tốc độ tăng thu NSNN trên địa bàn bình quân đạt 9,76%, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra từ 9-10%/năm”, ông Dũng nhận định.
Trong điều kiện đại dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thu chi và cân đối ngân sách địa phương trong năm 2020 và đảm bảo tăng trưởng cho cả giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết Sở Tài chính đã đề xuất thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Cụ thể như sau: Đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh sau dịch Covid-19 của UBND tỉnh. Ngành thuế tập trung khai thác các lĩnh vực còn thất thu như: khai thác khoáng sản, các hoạt động dịch vụ, thương mại, vận tải, xây dựng... Đẩy nhanh tiến độ giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về môi trường và đất đai; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản gắn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư để giải quyết việc làm, tạo thu nhập góp phần tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược dài hạn cho thu NSNN
Trong giai đoạn 2021-2025 tới, để tăng thu NSNN, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến trong thực hiện đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, trên cơ sở thành công của hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo lập được nguồn thu ổn định, lâu dài từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho NSNN.
Hiện nay, thu tiền sử dụng đất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN trên địa bàn. Các nguồn thu này chủ yếu là khai thác tài nguyên, chưa mang tính ổn định, bền vững. Do đó, phải có tầm nhìn, có kế hoạch tổ chức khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả nhằm phát huy nguồn lợi từ nguồn tài nguyên này trong chiến lược dài hạn. Việc thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo ra quỹ đất sạch phục vụ công tác kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực để xây dựng dự án nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo lập nguồn thu từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là chủ yếu, là bước đi cần thiết để điều chỉnh cơ cấu nguồn thu theo hướng tích cực, bền vững.
Giải pháp khác để tăng nguồn thu NSNN là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trên địa bàn Pleiku, đưa các cụm tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, KCN Nam Gia Lai, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tạo ra nguồn thu ổn định, chiến lược cho ngân sách địa phương. Theo ông Nguyễn Anh Dũng đây là hướng mới để gắn kết được nông nghiệp, công nghiệp với xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguồn: Vietnam Business Forum