Không còn là “cô gái đẹp ngủ quên”, sau 15 năm xây dựng và trưởng thành (25/4/2006-25/4/2021), đến hôm nay Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đang chuyển mình mạnh mẽ, được xem là động lực mới để Khánh Hòa tăng tốc phát triển. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong để tìm hiểu rõ hơn về những thành tựu cũng như định hướng, chiến lược phát triển của KKT. Hàn Lương thực hiện.
KKT Vân Phong vừa khép lại nhiệm kỳ 2015-2020 bằng những thành quả nổi bật nào, thưa ông?
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, trong giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã thu hút 42 dự án (33 dự án trong nước và 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài); điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (10 dự án trong nước và 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 66.045 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (tối thiểu đạt 50.000 tỷ đồng); vốn giải ngân đạt 18.274 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,7% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra (tối thiểu đạt 40.000 tỷ đồng). Đóng góp thu ngân sách trên địa bàn KKT đạt khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% của tỉnh (Nghị quyết đề ra chiếm khoảng 30 - 40%); giải quyết việc làm cho 6.251 lao động (Nghị quyết đề ra khoảng 10.000 - 12.000 lao động).
Hàng năm, Ban Quản lý đều chủ động rà soát, nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC); cụ thể, giai đoạn 2015-2020 đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết của 31 TTHC tại Ban (đạt khoảng 60% trên tổng số TTHC của Ban). Tập trung thực hiện cải cách TTHC theo hướng một cửa tại chỗ, một cửa liên thông nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Từng bước đưa công nghệ thông tin vào công tác điều hành, giải quyết TTHC với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tất cả điều này chính là cơ sở để KKT Vân Phong nhận được sự tin tưởng từ phía doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Về kết quả chỉ số hài lòng năm 2016, năm 2017, Ban xếp hạng Khá; năm 2018 - 2020 Ban xếp hạng Tốt.
Ông có thể cho biết Ban đã có những giải pháp gì để vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19?
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây ra khó khăn chung cho nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới. Điều này cũng đã gây không ít thách thức trong điều hành, quản lý của Ban. Để vượt qua trở ngại này, Ban đã đề ra những giải pháp thiết thực mang tính chủ động và chắc chắn.
Cụ thể, Ban đã hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các TTHC về lao động nước ngoài. Phối hợp lấy ý kiến của Sở Y tế để kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan phòng chống dịch đối với người lao động nước ngoài trước khi thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục để hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam để làm việc.Triển khai các giải pháp đẩy mạnh nộp hồ sơ trực tuyến qua Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa, sử dụng tiện ích thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính; sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả qua bưu chính công ích. Phối hợp với các cơ quan liên quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đề xuất, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư thông qua phương tiện truyền thông, email, các hội thảo xúc tiến đầu tư trực tiếp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thông qua kênh ngoại giao.
Sau thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, Ban cũng đã hoạch định những chiến lược cụ thể để phù hợp tình hình?
Trong Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2021-2025 đã xác định sẽ tập trung xây dựng KKT Vân Phong trở thành KKT ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP) với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ. Trong đó phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh và khu vực… Và phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Ban đã đề ra mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào KKT tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng. Đóng góp thu ngân sách trên địa bàn KKT chiếm khoảng 30 - 40%, giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động.
Ông có kiến nghị gì về việc xây dựng cơ chế, chính sách để đưa KKT Vân Phong phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới?
Nhà đầu tư, doanh nghiệp một khi đã quyết định đầu tư vào KKT Vân Phong thì sẽ quan tâm đến 4 vấn đề cơ bản. Đó là hệ thống pháp luật chặt chẽ, cơ chế chính sách thông thoáng; các TTHC đơn giản, minh bạch; sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền; và hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã từng nhận định, tương lai KKT Vân Phong rất “sáng” và phải chọn mô hình quản trị phù hợp cho Vân Phong, cùng với đó cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh. Do vậy, khi nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong thì Ban xác định cải cách hành chính chính là định hướng lớn để tìm ra các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Theo đó, Ban sẽ bám sát những giải pháp cụ thể, chính là xây dựng cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị để thực hiện tập trung một đầu mối giải quyết toàn bộ TTHC liên quan đến quá trình triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp tại KKT Vân Phong theo đúng tinh thần và quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Từng bước rút ngắn thời gian các TTHC thuộc thẩm quyền nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các TTHC cho các doanh nghiệp, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đề xuất với tỉnh tập trung giải quyết vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng lao động của các doanh nghiệp. Hiện tại, Ban đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu các cơ chế chính sách phát triển KKT Vân Phong. Hy vọng, các cơ chế này sẽ được phê duyệt để KKT Vân Phong có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI