SÓC TRĂNG

Lấy khoa học công nghệ là đòn bẩy tạo sức bật phát triển

08:14:20 | 12/4/2022

Là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Sóc Trăng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của hoạt động KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với Vietnam Business Forum xung quanh nội dung này. Ngọc Tùng thực hiện.

Bà đánh giá thế nào về sự lớn mạnh cũng như những đóng góp của ngành KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 30 năm tái lập?

Đồng hành với sự phát triển của Sóc Trăng, những năm qua ngành KH&CN nỗ lực hết sức mình nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội tỉnh nhà. KH&CN đã từng bước được đưa vào thực tiễn sản xuất, đời sống; luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn công tác nghiên cứu, ứng dụng của ngành.

Theo đó, ngành đã tập trung ứng dụng các tiến bộ KH&CN để chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu; lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh. Các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao như ST24, ST25… Năm 2021, công trình: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25 giai đoạn 2008-2016” đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6. Ngoài ra, tỉnh đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị”…

Với rau màu và cây ăn trái, Sở đã đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các điểm mô hình sản xuất rau, cây ăn trái như ứng dụng IoT vào quá trình canh tác. Các biện pháp canh tác an toàn theo hướng hữu cơ dần nhận được sự quan tâm của người dân. Từ những ứng dụng thiết thực, các sản phẩm từ rau màu, cây ăn trái của tỉnh đã tạo nên được nét đặc trưng riêng như: củ hành tím, Artemia, Vú sữa tím Trinh Phú, trái cây Cù Lao Dung...

Đặc biệt, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, việc xây dựng quy trình nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp đã đưa nghề nuôi tôm sú ở Sóc Trăng phát triển cao so với các tỉnh trong khu vực, tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh. Trong những năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng ngày càng mạnh mẽ, góp phần bảo vệ môi trường, tăng giá trị kinh tế.


Hợp tác để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số là các giải pháp quan trọng để Sóc Trăng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững lâu dài

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tập trung vào nghiên cứu các giải pháp để bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian; các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử. Những nghiên cứu này đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phục vụ phát triển du lịch.

Sóc Trăng xác định thế mạnh và định hướng phát triển lĩnh vực KH&CN như thế nào trong giai đoạn 2021-2025? Để tiếp tục bứt phá, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế, tỉnh đã đề ra những giải pháp, chiến lược gì nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững, thưa bà?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trọng tâm của lĩnh vực KH&CN trong giai đoạn tới là gắn liền giữa nghiên cứu, ứng dụng KHCN với nhu cầu thực tế của xã hội. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu KH&CN vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dựa trên đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung khai thác thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quá trình vận hành, phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài những định hướng chung, ngành KH&CN tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung như: Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm từng bước thực hiện các chủ trương về chuyển đổi số; Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030....

Để góp phần cải thiện Chỉ số PCI và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh (DDCI), thời gian tới Sở sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Hiện Sở có 46 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó tất cả đều thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến: mức độ 4 là 23 thủ tục; mức độ 3 là 03 thủ tục; mức độ 2 là 14 thủ tục. Hiện nay, việc tiếp nhận TTHC được tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Các hồ sơ được công chức của Sở thực hiện theo quy trình, quy định. Hàng năm, qua kết quả thăm dò ý kiến của khách hàng, chất lượng, thời gian xử lý TTHC đều ở mức “Tốt”. Ngoài ra, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh trong triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của 151/151 (đạt 100%) cơ quan quản lý hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó: 31/31 cơ quan cấp tỉnh, 11/11 đơn vị hành chính cấp huyện, 109/109 đơn vị hành chính cấp xã.

Cùng với thực hiện cải cách TTHC, Sở cũng sẽ hỗ trợ DN, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) và coi đây là cơ sở để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1702/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Đề án Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Duy trì hoạt động của Tổ tư vấn hỗ trợ DN thực hiện Kế hoạch hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, thiết bị; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tham gia dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, kết nối DN với các chương trình hỗ trợ trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với Dự án Phát triển DN nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng trong các hoạt động hỗ trợ cũng như Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ tăng cường liên kết với các viện, trường trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN để thúc đẩy CĐS mạnh mẽ, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Với quyết tâm, nỗ lực, năm 2022, ngành KH&CN tỉnh Sóc Trăng tiếp tục gắn kết, đồng hành cùng người dân và DN, cùng thích ứng với điều kiện mới để phát triển bền vững, xây dựng quê hương ngày thêm giàu, mạnh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum