SÓC TRĂNG

Huyện Trần Đề: Tập trung phát huy thế mạnh kinh tế biển

08:42:32 | 11/4/2022

Với quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bền vững, là một cực tăng trưởng của tỉnh Sóc Trăng, huyện Trần Đề tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa, nhất là kinh tế biển, gồm cảng biển, sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến thủy hải sản, dịch vụ, du lịch biển...

Biến tiềm năng thành thế mạnh

Huyện Trần Đề được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2010 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của hai huyện Mỹ Xuyên và Long Phú. Nằm ở vị trí phía Đông của tỉnh Sóc Trăng, Trần Đề có 12km bờ biển, 02 cửa sông lớn là sông Hậu, sông Mỹ Thanh và quốc lộ Nam Sông Hậu đi qua. Bên cạnh đó, huyện còn có Cảng cá Trần Đề, Bến cá Mỏ Ó,… đặc biệt là Cảng nước sâu Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư trong thời gian tới. Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được đầu tư sắp tới có điểm cuối là huyện Trần Đề, kết nối với Cảng nước sâu Trần Đề… 


Ông Lưu Hữu Danh, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề

Với tiềm năng và lợi thế từ biển, huyện luôn xác định kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản và du lịch biển là mục tiêu đột phá. Huyện đã tập trung đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, điện… phục vụ nuôi trồng theo hướng công nghiệp với 2 đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm khoảng 29.872 tấn. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao nuôi được 3 vụ/năm ở Trần Đề có thể thu về lợi nhuận trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm//ha/3 vụ nuôi. 

Về khai thác thủy, hải sản, huyện có 620 tàu , trong đó tàu khai thác xa chiếm hơn một nửa (353 chiếc), tàu phục vụ hậu cần 14 chiếc. Đội tàu đã góp phần nâng cao chất lượng khai thác thủy hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, song sản lượng khai thác thủy, hải sản 56.384,5/56.000 tấn, đạt 100,69% kế hoạch (tăng 813 tấn so với cùng kỳ).

Không chỉ vậy, huyện cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Bãi biển Mỏ Ó nằm sát cửa sông Mỹ Thanh có diện tích rừng tự nhiên trên 200ha, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2017, đây là khâu đột phá đúng hướng, là cơ hội cho du khách trong và ngoài nước biết đến địa danh Trần Đề, đồng thời mở rộng giao thương. Hàng năm có khoảng 139.000 lượt khách đi du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển và nhờ đó các sản phẩm đặc trưng của huyện được nhiều người biết đến.

Bên cạnh các ngành mũi nhọn, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ của Trần Đề cũng có nhiều khởi sắc. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 3.194/3.510 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch (giảm 9,17% so với cùng kỳ); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6.523/6.500 tỷ đồng, đạt 100,35% kế hoạch (tăng 0,03% so với cùng kỳ). 

Một trong những thành tựu của Trần Đề trong những năm qua là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), hiện huyện đã có 5/9 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 17 tiêu chí trở lên. Huyện Trần Đề đặt mục tiêu hoàn thành huyện NTM trong năm 2024, qua đó tạo cơ sở phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại III.

Thu hút đầu tư vào mũi nhọn kinh tế biển

Xác định kinh tế biển là mũi nhọn nên việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển đang được Trần Đề chú trọng thực hiện. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền móng để huyện phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư. 


Khai thác thủy sản - thế mạnh phát triển kinh tế biển của Trần Đề Trong ảnh: Sơ chế thủy sản tại Cảng cá Trần Đề

Đến nay, hệ thống giao thông của Trần Đề phát triển toàn diện với 01 tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu; 04 tuyến đường tỉnh: 933B, 934, 935, 936B đi qua, nối liền các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên và TX.Vĩnh Châu, đặc biệt là kết nối với Cầu Đại Ngãi sẽ được đầu tư trong thời gian tới, giúp kết nối với Trà Vinh, TP.Hồ Chí Minh…

Mới đây, tỉnh đã khánh thành cầu Mạc Đĩnh Chi trên đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Đề, giúp kết nối TP.Sóc Trăng với huyện, đặc biệt là nối với KCN Trần Đề, Cảng cá Trần Đề, Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Ngoài các dự án trên, huyện sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chú trọng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Hiện huyện có những công trình trọng điểm được ưu tiên thu hút đầu tư như: Dự án Khu thương mại kinh tế biển Trần Đề đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; Dự án nâng cấp mở rộng Cảng cá Trần Đề được phê duyệt năm 2017 đang xúc tiến triển khai, thực hiện; Dự án bến tàu Cao tốc Trần Đề - Côn Đảo và ngược lại; Dự án Đường Kênh Tư đến cống Bãi Giá được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018, hiện đang triển khai thi công… 

Đặc biệt, Dự án KCN Trần Đề đã được khởi công sẽ là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đây là một trong 05 KCN thuộc quy hoạch phát triển của tỉnh đến năm 2020. Dự án có tính khả thi cao với lợi thế có quốc lộ Nam Sông Hậu và Đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Đề đi qua, tiếp giáp cửa biển Trần Đề nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, lực lượng lao động tại địa phương dồi dào, các chính sách hỗ trợ luôn được ưu tiên…

Những dự án quan trọng đã và đang được đầu tư sẽ góp phần đưa Trần Đề trở thành một trung tâm kinh tế năng động, trong đó, kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của huyện mà còn của tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp (đánh bắt thủy sản) và du lịch biển. Trần Đề sẽ tập trung quy hoạch phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, cải hoán đội tàu khai thác thủy sản, tăng số lượng tàu khai thác xa bờ, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, …

Cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, huyện sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, Trần Đề sẽ đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường mạng… Đặc biệt, Trần Đề cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được chọn thí điểm xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành (IOC). 

“Cùng với đó, huyện tiếp tục làm tốt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai; tập trung giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy hoạch đồng bộ hóa, nhất là tạo điều kiện phát triển các khu dịch vụ. Huyện luôn chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu, mở rộng hợp tác và cam kết sẵn sàng đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp an tâm đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Lưu Hữu Danh khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum