SÓC TRĂNG

Ban quản lý Cảng cá Trần Đề: Góp phần khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản

05:46:16 | 13/4/2022

Với vai trò, chức năng và nhiệm vụ được giao, những năm qua Ban quản lý (BQL) Cảng cá Trần Đề đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản địa phương. Không chỉ vậy, đơn vị còn tăng cường tuyên truyền để các ngư dân tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế về khai thác thủy sản, giúp hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh và cả nước nói chung phát triển bền vững, ổn định trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Cảng cá Trần Đề (nằm bên cửa biển Trần Đề thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) được xây dựng năm 2000 với tổng diện tích 16ha, chính thức đi vào hoạt động năm 2003. Đây là một trong 10 cảng cá thuộc dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá Việt Nam", được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Với mục tiêu nâng cấp cơ sở hậu cần nghề cá tại địa phương, phục vụ chương trình đánh bắt xa bờ của Chính phủ, Cảng đã và đang khai thác có hiệu quả tiềm năng nghề biển của tỉnh Sóc Trăng và ngư trường Đông Nam bộ...

BQL Cảng cá Trần Đề có chức năng quản lý, điều hành cảng cá, với nhiệm vụ tổ chức cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại cảng cá; thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản; phối hợp kiểm tra, kiểm soát về chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp tại cảng cá; quản lý công tác cho thuê mặt bằng đất trong khu vực cảng cá và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý công tác cho thuê đất trong khu vực cảng cá; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường trong khu vực cảng cá…


Cảng cá Trần Đề đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản địa phương

Sau thời gian hoạt động, do tình trạng quá tải, Cảng cá Trần Đề đã được đầu tư mở rộng (giai đoạn 2) vào năm 2020 trên diện tích đất 17ha, với số vốn 174 tỷ đồng. Ngày 29/4/2021, công trình dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được nghiệm thu và tạm bàn giao cho BQL Cảng cá Trần Đề vận hành, khai thác sử dụng. Trước đó vào năm 2018, BQL Cảng cá Trần Đề cũng được đầu tư xây mới Cảng cá Mỏ Ó (diện tích đất 3ha), với quy mô cảng cá loại 3, tổng vốn đầu tư 56 tỷ đồng. 

BQL Cảng cá Trần Đề đã thành lập Văn phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là tổ IUU) nhằm kiểm tra tàu thuyền cập cảng và rời cảng; đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cán bộ của Ban tuyên truyền trực tiếp với các chủ tàu về các quy định hiện hành để tháo gỡ thẻ vàng cũng như các quy định khi tàu vào cảng và rời cảng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Thủy sản và của EC.

Đến nay, khu vực Cảng cá Trần Đề có 24 doanh nghiệp (DN) sơ chế và chế biến thủy, hải sản; 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá; trong đó có 03 DN chế biến có quy mô công nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU...). Hàng năm, Cảng cá Trần Đề tiếp nhận khoảng 17.000 lượt tàu cập bến để lên - xuống hàng hóa; lượng hàng hóa qua cảng khoảng 160.000 tấn, lượng hàng thủy sản qua cảng là 80.000 tấn. 

Bên cạnh đó, thời gian qua công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các DN chế biến xuất khẩu luôn được BQL Cảng cá Trần Đề kịp thời thực hiện. Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường châu Âu, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. 

Giám đốc BQL Cảng cá Trần Đề - ông Phạm Văn Hứa cho biết: Hoạt động của các DN và cơ sở kinh doanh trong khu vực cảng thời gian qua luôn đảm bảo ổn định, đã tiêu thụ kịp thời hàng hóa của tàu khai thác cập cảng, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. 

Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng cá để phục vụ tốt cho tàu thuyền của ngư dân. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư vào phần diện tích đất của giai đoạn 2 và bến cá Mỏ Ó để hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá.

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra tàu thuyền về hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm thay đổi, nâng cao ý thức của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) cho thủy sản Việt Nam”, ông Phạm Văn Hứa chia sẻ.

Nguồn: Vietnam Business Forum