SÓC TRĂNG

Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

09:11:05 | 12/4/2022

Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư. Để hiểu thêm về những nỗ lực này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trưởng Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh - ông Nguyễn Thanh Trong. Công Luận thực hiện.

Ông có thể điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh cũng như công cuộc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN thời gian qua?

Theo Đề án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 1153/TTg-CN ngày 5/9/2018, toàn tỉnh Sóc Trăng có 5 KCN với tổng diện tích 1.106 ha, gồm có KCN An Nghiệp (243ha), Trần Đề (160ha), Sông Hậu (286ha), Đại Ngãi (200ha) và Mỹ Thanh (217ha).

Tỉnh đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành KCN An Nghiệp vào cuối năm 2006; KCN Trần Đề do Công ty CP Bê tông Hà Thanh làm chủ đầu tư được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư 1.230,26 tỷ đồng, hiện đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN. Các KCN Sông Hậu, Đại Ngãi và Mỹ Thanh đang triển khai công tác lập quy hoạch phân khu chức năng, xét chọn và hướng dẫn các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng KCN.

Riêng KCN An Nghiệp, qua 16 năm xây dựng và phát triển đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, là một trong những nhân tố chủ yếu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đến cuối năm 2021, KCN An Nghiệp đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (còn hiệu lực) cho 69 dự án đầu tư trong KCN với tổng vốn đăng ký đầu tư 7.332,4 tỷ đồng (trong đó có 06 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.938,7 tỷ đồng); số vốn đã thực hiện 5.505,8 tỷ đồng (vốn FDI là 1.423,2 tỷ đồng). Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 181,8ha, đạt tỷ lệ 96,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 là 13.709,9 tỷ đồng (doanh nghiệp FDI là 705,2 tỷ đồng), tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020, vượt 14,2% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2021 và chiếm 49,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu đạt 724,9 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 56,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động tại địa phương. 

Riêng KCN Trần Đề đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, dự kiến sẽ thu hút đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo ra giá trị sản xuất khoảng trên 20.000 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 600 triệu USD/năm, đóng góp ngân sách từ 300 - 400 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000-20.000 lao động.

Bên cạnh việc đóng góp về kinh tế, các KCN còn có vai trò tích cực về mặt xã hội như tạo công ăn, việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, góp phần ổn định an sinh xã hội tại địa phương. 

Với những cố gắng vượt bậc của BQL và nhà đầu tư, thời gian qua hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ ra sao? 

Xác định hình thành, đầu tư phát triển các KCN là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa Sóc Trăng cơ bản thành một tỉnh công nghiệp, chính vì vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch và đầu tư phát triển các KCN trên địa bàn theo hướng kết hợp các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và vận động đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong đó việc đầu tư phát triển các KCN từ phía các doanh nghiệp là chủ yếu.

Trong thời gian tới, tỉnh đặc biệt khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN theo quy hoạch. Về trách nhiệm của chính quyền, tỉnh sẽ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư; đồng thời kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN, cũng như về phát triển mạnh dịch vụ và các công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các KCN. 

Để đạt mục đích yêu cầu trên, tỉnh sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn nói chung, KCN nói riêng cho phù hợp với xu thế phát triển thực tế; đồng thời có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện cụ thể nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN trong tỉnh.

Với quan điểm, mục tiêu, chủ trương, chính sách và các giải pháp tổ chức thực hiện nêu trên, tôi tin trong thời gian tới công tác đầu tư phát triển các KCN cũng như thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Nhằm đón đầu làn sóng đầu tư từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau dịch bệnh, trong thời gian tới BQL sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm nào?

Là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, thế mạnh của Sóc Trăng là nông nghiệp, thủy sản và kinh tế biển. Ngoài ra với hệ thống giao thông đường bộ thông suốt với 4 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh là những tuyến đường đối ngoại kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Sóc Trăng sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển.

Với những lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động, giao thông thủy bộ,…để đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, BQL các KCN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực hiện nhất quán các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đối với các dự án đầu tư vào KCN; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện đầy đủ các ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo, dạy nghề. Nhìn chung, các nhà đầu tư vào KCN đều được BQL các KCN và các sở ngành chức năng nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng và thuê đất nhanh chóng; đồng thời nhà đầu tư còn được cung cấp, phổ biến các thông tin liên quan đến thị trường trong nước và ngoài nước; được hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm, quảng cáo cũng như hỗ trợ về đào tạo, dạy nghề đối với công nhân. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN đã đạt nhiều kết quả tích cực và ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến BQL các KCN để tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, BQL các KCN sẽ triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong KCN; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là về đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết những nội dung công việc liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; đồng thời quan tâm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác quản lý và hỗ trợ phát triển các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trong KCN.

 Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum