Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), giai đoạn 2016 -2020, trên địa bàn Thành phố xây dựng được 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc chăn nuôi, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc trồng trọt. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên có 13 chuỗi ngừng hoạt động.
Gặp khó trong phát triển chuỗi liên kết
Mặc dù Hà Nội rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên, trên địa bàn cùng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai mô hình. Đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm biến động các thị trường nông sản, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến người sản xuất.
Trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP, thì có 46 liên kết theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kiểu liên kết này không bền vững, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ. Lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này. Đảng ủy, chính quyền cấp xã ở một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn về quản lý quy hoạch, vẫn còn tình trạng buông lỏng, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không có người mua; bài toán giải cứu vẫn đang còn hiện hữu.\
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng số chuỗi đang hoạt động tính đến hết tháng 12/2021 trên địa bàn Hà Nội là 145 chuỗi; trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Về hình thức liên kết trong 145 chuỗi, có 14 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 1 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 2 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 54 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 7 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 21 chuỗi liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết, Chuỗi gạo hữu cơ và Bưởi diễn của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi Thủy sản công nghệ cao của HTX Đại Áng; Chuỗi rau của HTX rau quả sạch Chúc Sơn… đã tạo ra diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, tạo được bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia liên kết hợp tác xây dựng. Ông Chí nhấn mạnh.
Cần thiết lập hệ sinh thái quản trị mô hình bền vững
Để phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, khó khăn trong triển khai mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Chí, Hà Nội cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như:Tăng cường công tác truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và Thành phố về gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu thụ và các tầng lớp nhân dân tham quan, học tập.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và chính sách hỗ trợ theo hướng rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đề xuất Trung ương và HĐND, UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và những nội dung chưa phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp và hợp tác xã vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Rà soát quy hoạch đã được quy định theo Quyết định 3215/QĐ-UBND vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung hàng năm và điều chỉnh kịp thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung vùng huyện, quy hoạch nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên toàn Thành phố theo hướng bền vững.
Tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano, kinh tế tuần hoàn... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất và ứng dụng đồng bộ các công nghệ, kỹ thuật mới để vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thiết lập hệ sinh thái quản trị bền vững chuỗi giá trị. Theo đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, vận động và tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất tập trung theo quy hoạch. Phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xã chuyên ngành) để làm đầu mối tiếp nhận ứng dụng kỹ thuật mới và chuyển giao cho các thành viên hợp tác xã. Đơn vị chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cần được xác định là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi liên kết, chịu trách nhiệm cùng hợp tác xã hướng dẫn thành viên trong sản xuất, thu hoạch sơ chế chế biến và bảo quản để có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phân phối tiêu thụ. Đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm cần làm tốt công tác dự báo thị trường tiêu thụ, yêu cầu rõ về số lượng, chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để làm cơ sở cho đơn vị chuyển giao; hợp tác xã và người sản xuất áp dụng với công nghệ phù hợp và giá thành hợp lý nhất để tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Lãnh đạo UBND các cấp và Phòng Kinh tế cấp huyện cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Chỉ đạo cấp xã rà soát các vùng sản xuất theo quy hoạch; tuyên truyền vận động nhân dân tổ chức sản xuất theo quy hoạch; xây dựng vùng sản xuất quy mô đủ lớn đáp ứng sản lượng và chủng loại theo đơn hàng của doanh nghiệp đặt hàng. Tổng hợp danh sách nhu cầu liên kết trên địa bàn cấp huyện như (quy mô, diện tích, thực trạng sản xuất, sản lượng, thị trường tiêu thụ, vai trò của HTX..) gửi Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (đơn vị được UBND Thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển chuỗi trên địa bàn thành phố) để tổng hợp.
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cần tiếp tục tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Quản trị và điều hành hệ thống thông tin nhu cầu của các huyện cần liên kết, các đơn vị ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các đơn vị phân phối và tiêu thụ. Phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ kinh nghiệm để tích hợp và kết nối các nhân tố là yếu tố bên trong và bên ngoài chuỗi giá trị đảm bảo tính tương thích của công nghệ với khả năng tiếp thu thực hiện của người dân và cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối với giá thành hợp lý và hiệu quả nhất.Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi để hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, đặc biệt là chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI