Tỉnh Quảng Nam có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Sekong (Lào) dài 157,422km, đi qua 14 xã thuộc hai huyện Nam Giang, Tây Giang; là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh kết nối Quân khu 5 với khu vực Nam Lào. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của tỉnh Quảng Nam có tầm quan trọng trong tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; là điểm ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với khu vực Nam Lào qua cửa khẩu Nam Giang về cảng Chu Lai, Đà Nẵng ra Biển Đông. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, Quảng Nam luôn xác định quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác, địa phương của Lào nói chung và với tỉnh giáp biên Sekong nói riêng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước.
![]() Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã khai thác, phát huy điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu văn hoá, kinh tế với nước bạn Lào như thế nào, thưa ông?
Xét về vị trí địa lý, Quảng Nam là tỉnh có điều kiện thuận lợi trong mối quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương trên cả nước và đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với các tỉnh thuộc khu vực Nam Lào.
Tỉnh Quảng Nam có mối quan hệ hợp tác gắn bó lâu đời với tỉnh Sekong nói riêng và các tỉnh Nam Lào nói chung trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước. Quảng Nam là địa phương duy nhất của Việt Nam có nhiều điều đặc biệt nhất trong quan hệ hợp tác với nước bạn Lào.
Điều đặc biệt thứ nhất, vào năm 1948, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc cử quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ nước bạn Lào, trong đó có khu vực Hạ Lào trước đây, nay là 4 tỉnh Nam Lào gồm: Sekong, Champasak, Attapeu và Salavan, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, những người con đất Quảng đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào. Trong số đó có đồng chí Bô Nhơn - Lê Viết Muồng được cử sang hoạt động cách mạng tại khu vực Hạ Lào khi mới tròn 20 tuổi, ông đã được Đảng, Nhà nước Lào tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng đầu tiên của tỉnh Sekong, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Điều đặc biệt thứ hai, vào tháng 02/1949, phía Lào đề nghị ta giúp bạn thành lập khu kháng chiến Hạ Lào để chuẩn bị và giúp bạn giải phóng vùng Hạ Lào. Trước yêu cầu của nước bạn, xem việc “giúp bạn là mình tự giúp mình”, ta đã quyết định thành lập Khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào đặt tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam được Trung ương giao nhiệm vụ làm hậu phương, trực tiếp giúp đỡ các đơn vị của ta và bạn trên chiến trường Hạ Lào.
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam (năm 2015)
Điều đặc biệt thứ ba, nhân dân hai bên biên giới Quảng Nam - Sekong có quan hệ thân tộc, gắn bó từ lâu đời; người dân khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sekong hầu hết đều là đồng bào dân tộc Cơ Tu, Tà Riềng.
Điều đặc biệt thứ tư, lãnh đạo cấp cao hai tỉnh Quảng Nam và Sekong thống nhất có chủ trương chung và tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị, địa phương giữa hai tỉnh tổ chức kết nghĩa, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt để giúp bạn phát triển. Đến nay, có 26 sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương của hai tỉnh có quan hệ hợp tác kết nghĩa. Quảng Nam - Sekong là cặp tỉnh duy nhất có tất cả các bản hai bên biên giới, các huyện, thành phố của hai tỉnh có quan hệ hợp tác kết nghĩa.
Với những điều kiện thuận lợi và nền tảng vững chắc đó, tỉnh Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Sekong và mở rộng hợp tác với một số địa phương thuộc khu vực Nam Lào, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Đồng chí Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới
Việt Nam - Lào lần thứ XII
Ông có thể cho biết ý nghĩa và những dấu ấn nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam với các đồng chí, anh em, đối tác nước bạn Lào, đặc biệt với tỉnh Sekong?
Với truyền thống, tiềm năng, lợi thế trong quan hệ hợp tác với nước bạn Lào, tỉnh Quảng Nam luôn xác định quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác, địa phương của Lào nói chung và nhất là với tỉnh giáp biên Sekong nói riêng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài, tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai bên. Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam với Lào trong thời gian qua có nhiều dấu ấn nổi bật, là điểm sáng trong quan hệ Việt - Lào, cụ thể là:
Tỉnh Quảng Nam đã vinh dự đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào đến thăm, làm việc tại tỉnh. Sự đón tiếp luôn trọng thị, chu đáo, an toàn và để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với các đồng chí.
Quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sekong có bước phát triển vượt bậc, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Tình cảm, sự tin tưởng gắn bó giữa lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh ngày càng được thắt chặt và gắn bó hơn. Hai tỉnh đã phối hợp chặt chẽ để triển khai hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới; hoàn thành toàn bộ công việc liên quan đến thực hiện Thoả thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Lào về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền giữa hai tỉnh, mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai bên. Thường xuyên giúp tỉnh Sekong tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư để kết nối, kêu gọi doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đầu tư vào tỉnh Sekong. Hỗ trợ đầu tư xây tặng tỉnh Sekong nhiều công trình, dự án; bình quân mỗi năm tặng 1 công trình trị giá 10-15 tỷ đồng. Riêng trong Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ xây tặng tỉnh Sekong công trình Nhà làm việc Công an huyện Dakchung trị giá 10,6 tỷ đồng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sekong trị giá gần 20 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm hỗ trợ giúp bạn đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Sekong và tỉnh Champasak. Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng hình thức đào tạo dự bị tiếng Việt cho cán bộ, lưu học sinh Lào trong thời gian 12 tháng và thực hiện chính sách miễn toàn bộ học phí, ký túc xá cho lưu học sinh Lào diện du học tự túc tại tỉnh. Hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch bệnh xuyên biên giới, nhất là thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở khu vực biên giới hai tỉnh; tỉnh Quảng Nam là địa phương duy nhất của 10 tỉnh biên giới với Lào hoàn thành giúp tỉnh Sekong tiêm ngừa vaccine phòng bệnh bạch hầu cho tất cả nhân dân ở các bản biên giới của tỉnh Sekong từ năm 2018.
Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tỉnh Sekong phòng chống dịch Covid-19
Ông có thể đánh giá về triển vọng hợp tác và cơ hội nâng tầm quan hệ cũng như định hướng hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam với đối tác nước bạn Lào trong thời gian tới?
Triển vọng hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sekong là rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả trong quan hệ hợp tác, tối đa hóa tiềm năng, lợi thế của hai bên, tỉnh Quảng Nam xác định tập trung đẩy mạnh về đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối thông suốt giữa hai bên thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Taook về cảng biển Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và các cảng biển trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam; giúp Lào thông ra Biển Đông nhanh nhất, thuận lợi nhất. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Sekong, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và số lượng đối với công tác này. Đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư giữa hai bên; nhất là tập trung hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới hai tỉnh.
Nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, ông có chia sẻ gì về mối quan hệ hợp tác đặc biệt này? Theo ông, đâu là dư địa để hai nước tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng hợp tác trong thời gian tới?
Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào là quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện; nội hàm của cụm từ trên đã nói lên tất cả sự đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước; đây là mối quan hệ có một không hai trên thế giới. Tình cảm thủy chung, son sắt, gắn bó keo sơn Việt - Lào sẽ tiếp tục được vun đắp, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Dư địa hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn và cần có những đột phá để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trên khắp các lĩnh vực đều đạt được nhiều kết quả quan trọng, ở nhiều lĩnh vực đã mang tính đột phá như trụ cột chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hoá, giáo dục và đào tạo. Hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng giữa hai nước có những bước phát triển, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Vì vậy, trụ cột về kinh tế giữa hai bên trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều cơ chế, chính sách đột phá, trong đó chú trọng giúp bạn đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhất là ở lĩnh vực xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu giữa hai nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Ngọc (Vietnam Business Forum)