Nhờ sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh và những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2022, ngành công nghiệp Vĩnh Phúc đã có sự tăng trưởng ngoạn mục với tổng giá trị sản xuất ước tăng 15,5%, khẳng định vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thiếu hụt lao động các tháng đầu năm, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng; thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu để tránh phiền hà, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có thủ tục về đất đai… qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa công nghiệp phát triển, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt hơn 340 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021; một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng cao như doanh thu linh kiện điện tử tăng 24,4%; xe máy các loại tăng 11,02%; quần áo tăng 7,21%, gạch ốp lát tăng 6,01%... Với thế mạnh công nghệ hiện đại, tự động hóa cao và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đã có sự bứt phá ngoạn mục trong sản xuất kinh doanh giữa bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng doanh thu năm 2022 ước đạt hơn 194 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu tăng 15%; giải quyết việc làm cho hơn 75.000 lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp, tăng hơn 8.400 lao động so với thời điểm 15/12/2021.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, thời gian tới, sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, bởi đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích trên 3.110 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút vốn FDI từ các Tập đoàn đa quốc gia; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các thị trường trọng điểm như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…; tập trung cao độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mua bán trực tuyến…
Tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp trong năm 2022 tiếp tục khẳng định công nghiệp là động lực, trụ đỡ, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc. Kiểm soát tốt dịch Covid-19; giải bài toán giá nguyên liệu tăng do giá xăng tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất chính là thách thức mà các cấp, các ngành, cùng cộng đồng doanh nghiệp cần đồng hành, nỗ lực vượt qua trong thời gian tới để duy trì đà tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần phấn đấu để Vĩnh Phúc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 9 - 9,5%.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)