Nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm gần đây, Bình Định xác định đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động là một trong những giải pháp trọng tâm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực.
Bình Định xác định đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và có tham gia hoạt động GDNN; 1.353 cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN. Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở GDNN tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết với thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, các trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh, sinh viên đều được giới thiệu việc làm. Với phương châm “tuyển sinh là tuyển dụng”, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp, 85% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp và 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng, với thu nhập bình quân từ 7-15 triệu đồng/người/tháng.
Trong 02 năm (2021-2022), toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo mới, đào tạo lại cho 3 cấp trình độ và dưới 3 tháng cho 41.217 lao động học nghề, đạt 27,1% so với kế hoạch giai đoạn 05 năm (2021 - 2025). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề các năm tăng bình quân 2%, đạt và vượt 100% Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, cụ thể năm 2021 là 58,03%, đạt 101,4% kế hoạch; năm 2022 là 60,09%, đạt 101,03% kế hoạch.
Bên cạnh đó, mô hình gắn kết giữa cơ sở GDNN với các địa phương đã mang lại hiệu quả cao trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Các cơ sở GDNN đã phối hợp triển khai các mô hình đào tạo nghề và nhân rộng các mô hình cho 1.296 người tại 11 huyện, thị xã, thành phố với các mô hình như: Hợp tác xã nghề kỹ thuật chế biến món ăn; mô hình sản xuất mây tre đan; mô hình kỹ thuật hàn; mộc dân dụng; may công nghiệp; mô hình điêu khắc gỗ; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng;…
Để gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3025/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3069/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025. Trong 02 năm (2021 - 2022), tăng trưởng kinh tế cùng với các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ đã góp phần giải quyết việc làm cho 53.658 lao động.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 05 trụ cột tăng trưởng và 03 khâu đột phá, trong đó, phát triển nguồn nhân lực được xem là một khâu đột phá trong chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Định phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 85%; mỗi năm giải quyết việc làm cho 30.000 lao động. Bình quân hàng năm tư vấn nghề, việc làm cho khoảng 30.000 - 32.000 lượt người, nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm lên khoảng 40% vào năm 2025,...
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành LĐ-TB&XH đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, phù hợp với nhu cầu đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng đào tạo công nhân lành nghề bậc cao cho các khu công nghiệp, lao động có tay nghề cao cho các ngành dịch vụ và lao động xuất khẩu.
Cùng với đó, tổ chức các chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm; tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Qua đó, không chỉ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học các trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI