Là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và các giá trị văn hóa độc đáo, huyện Vĩnh Thạnh có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá. Trên cơ sở khai thác những tiềm năng, thế mạnh này, những năm gần đây, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị văn hóa, danh thắng, làng nghề trên địa bàn.
Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh |
Bứt phá mạnh mẽ
Huyện Vĩnh Thạnh nằm cách TP.Quy Nhơn 70km về phía Tây, diện tích tự nhiên hơn 700 km2, địa hình đa dạng và phức tạp, chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình từ 500 – 600m, có nhiều sông, suối. Huyện có 09 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 08 xã với dân số hơn 30 nghìn người.
Năm 2022, trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng nhờ sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản phẩm tăng 10,14% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,28%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,83%; thương mại - dịch vụ tăng 5,34%. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,36%; công nghiệp - xây dựng chiếm 50,66%; thương mại - dịch vụ chiếm 25,98%. Tổng thu ngân sách nhà nước 469.894 triệu đồng (Nghị quyết 269.350 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 29,8% (Nghị quyết 32%). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 98,98%. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 76% (Nghị quyết 75,6%).
Ông Bùi Tấn Thành - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các ngành tiềm năng như: Ngành công nghiệp chế biến gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm phá thế “ngõ cụt”, kết nối với các tuyến đường tỉnh, cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ, sân bay Phù Cát, cảng Quy Nhơn và các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu lớn của tỉnh và khu vực để giảm chi phí logictics.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ thực hiện các dự án, bố trí các nguồn vốn theo kế hoạch.
Tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển các vùng cây trồng tập trung, dược liệu dưới tán rừng, phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp như: Di tích thắng cảnh thành đá Tà Kơn, vườn cam Nguyễn Huệ - Căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn, gộp Nước Ló, thác Hang Dơi, suối Tà Má,... Đặc biệt, những năm gần đây, Vĩnh Thạnh được nhiều du khách biết đến thông qua hình ảnh hoa trang rừng bên suối Tà Má, vườn hoa Anh Đào tại làng K3, xã Vĩnh Sơn,... Cùng với đó là nguồn tài nguyên quý giá về văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào Bana như: Lễ hội mừng ăn cơm lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ,…
Du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế, tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa. Đây chính là loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vĩnh Thạnh, với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ; các sản phẩm văn hóa - du lịch mới lạ, dân dã và nguyên khai,... |
Trong 02 năm 2021 - 2022, huyện đã đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Vĩnh Sơn như đường nội bộ, đường hoa Đào,… tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử thành đá Tà Kơn, vườn cam Nguyễn Huệ,…dần dần hình thành các khu bán hàng lưu niệm, mua sắm, giải trí và các dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách.
Trong chiến lược phát triển của huyện, phát triển du lịch phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tổng thể của cả tỉnh. Vĩnh Thạnh phấn đấu đến năm 2025 lượng khách du lịch từ 3.000 - 5.000 người, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI