HÀ NỘI

Phát triển bền vững các vùng rau an toàn

09:01:41 | 29/5/2023

Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ rau an toàn, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung.

Từ những khó khăn, rào cản thực tế, nhiều đơn vị sản xuất, tiêu thụ rau an toàn lớn trên địa bàn Hà Nội đề xuất, TP cần có chính sách giao đất, cho thuê đất theo giá quy định của Nhà nước, cùng với cơ chế đặc thù khác để các hợp tác xã đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhận định: Đầu ra của rau an toàn vẫn phụ thuộc vào thương lái, giá cả không chênh lệch nhiều, dẫn tới việc duy trì chất lượng sản phẩm an toàn gặp không ít khó khăn. Do đó, rất cần thành phố đẩy mạnh hơn nữa chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã và nông dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng duy trì, phát huy thế mạnh của vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 3.000ha, vùng trồng cây ăn quả 300ha, vùng rau an toàn 100ha. Cùng với đó, huyện phát triển các chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước), chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng), chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu). Đồng thời, huyện hỗ trợ nhân rộng các mô hình trồng hoa lan nhân cấy mô, hoa lan hồ điệp, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha...

Để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nội tiếp tục có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục xây dựng các mô hình tuyên truyền, giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm tại các xã nông thôn mới để phổ biến nhân rộng. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng tập trung giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; kịp thời phát hiện, cảnh báo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; tiếp tục xây dựng và phát triển thêm một số thương hiệu nông sản hàng hóa mới có lợi thế của Thủ đô.

Đình Bảo (Vietnam Business Forum)