Những năm gần đây, Ninh Thuận được đánh giá là điểm sáng, một trong những địa phương có nhiều đột phá trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nên sự phát triển toàn diện cũng như diện mạo mới cho địa phương. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Như Nguyên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận.
Một vài đánh giá của ông về những kết quả đạt được trong công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc của Ninh Thuận thời gian qua và định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
Hiện 100% các quy hoạch vùng huyện và 100% quy hoạch chung đô thị được thực hiện. Về quy hoạch phân khu, đối với thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã đạt tỷ lệ lấp đầy 99%, đối với huyện Ninh Sơn là 89%, các huyện khác đạt từ 40% đến hơn 60%. Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng, khu vực thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã đạt 94%, các huyện còn lại đạt 25 - 51%. Tính tới thời điểm hiện nay đã có 47/47 xã có quy hoạch chung nông thôn, có 40/47 xã có quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đạt tỷ lệ 100%.
Việc cơ bản hoàn thiện công tác lập quy hoạch các khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở cũng đã có những định hướng đến năm 2030 là hoàn thiện 03 quy hoạch vùng huyện, là vùng liên huyện phía Bắc (Thuận Bắc – Ninh Hải), vùng liên huyện phía Tây (Ninh Sơn – Bác Ái), vùng liên huyện phía Nam (Ninh Phước – Thuận Nam). Cũng như hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch chung trung tâm các thị trấn như: Tân Sơn, Khánh Hải, Phước Nam, Lợi Hải, Phước Đại. Đến năm 2050 tiếp tục lập và hoàn thiện các quy hoạch chung của các thị trấn dự kiến hình thành hoặc được điều chỉnh như: Phước Đại, Cà Ná, Vĩnh Hy, Sơn Hải, Phước Dân, Thanh Hải, Lợi Hải.
Riêng đối với khu vực ven biển là khu vực động lực, trọng điểm về phát triển du lịch, do đó, định hướng tỉnh là lập, hoàn thiện các quy hoạch gắn với 06 khu vực đô thị biển dự kiến hình thành như: Cà Ná, Sơn Hải, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Khánh Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hy. Hiện nay, Sở đang triển khai lập Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; tham mưu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phan Rang – Tháp Chàm làm cơ sở triển khai lập các đồ án quy hoạch cấp thấp hơn phục vụ công tác kêu gọi đầu tư.
Sau 16 năm được công nhận là thành phố thuộc tỉnh (kể từ năm 2007), diện mạo Phan Rang - Tháp Chàm đã có những thay đổi ra sao trong phát triển đô thị, thưa ông?
Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật tỉnh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm định hướng phát triển theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Cùng với đó là kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đáng kể, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II. Hiện nay, theo định hướng mục tiêu phát triển đô thị thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã được UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 92/QĐ-UBND, theo đó sẽ xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị loại I giai đoạn 2030 - 2050, đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.
Riêng đối với chỉ tiêu của đô thị xanh, dự kiến đến năm 2025 đạt chỉ tiêu cây xanh 10m2/người, đến năm 2030 đạt 12 – 15 m2/người; là trung tâm phát triển đô thị của tỉnh, hướng đến phát triển các khu đô thị - du lịch, đô thị thông minh, đô thị xanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng dụng sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu phát triển mở rộng không gian thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận, tạo nên các vùng đô thị hóa mới (so với ranh giới
hiện hữu 79km2), được cụ thể hóa tại đồ án Quy hoạch chung của thành phố, trong đó ranh giới phát triển có xem xét, kế thừa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được duyệt và nghiên cứu bổ sung tạo các không gian phát triển, động lực phát triển mới, nhưng cần đảm bảo các tính chất, mục tiêu của đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng nhiều dự án Khu đô thị mới như K1, K2, Khu đô thị mới bờ sông Dinh, Khu đô thị mới Phủ Hà,... đã và đang được triển khai thực hiện, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, yêu cầu đặt ra là cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác quy hoạch gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Công tác lập quy hoạch và rà soát cập nhật quy hoạch là nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện thường xuyên, làm cơ sở cho công tác quản lý và kêu gọi đầu tư. Hiện nay Sở đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết 25-NQ/TU về phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thành thành phố thông minh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở xác định quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành liên quan, quy hoạch sử dụng đất. Cũng như quy hoạch chi tiết xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ doanh nghiệp đã được Sở thực hiện hiệu quả. Hằng năm, Sở đã ban hành Kế hoạch về việc rà soát, đánh giá TTHC cũng như niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ và chính xác các TTHC đã được công bố; thời gian giải quyết; các lệ phí, phí; các mẫu đơn, mẫu tờ khai theo hướng dẫn tại văn bản số 16/UBND-KSTTHC và công khai 58 TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đã có 38/58 TTHC giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Khởi công xây dựng khu đô thị mới Đầm Cà Ná - Ca Na New City tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tháng 7/2023
Ông có điều gì muốn gửi gắm đến chính quyền và các nhà đầu tư?
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Thuận được nâng cao qua từng năm, năm 2022 đạt 65,43 điểm đứng thứ 30/63 tỉnh, thành. Để triển khai thực hiện tốt công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, hằng năm, Sở đã ban hành kế hoạch, trong đó chú trọng vào việc quán triệt nhận thức của cán bộ công chức viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tác phong công vụ.
Ninh Thuận cũng sẽ thực hiện tốt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) và quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) được duyệt, triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, khu dân cư,... để đẩy mạnh quảng bá xúc tiến và kêu gọi đầu tư. Hiện đơn vị đang trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị giai đoạn 2022 - 2025 thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh; tiếp tục rà soát và kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch phân khu đối với các khu vực chưa có quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Hiện các khu vực tiềm năng phát triển đến nay cơ bản đã hoàn thành quy hoạch, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, tạo ra diện mạo mới cho tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ninh Thuận là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt, Sở cam kết sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền, doanh nghiệp và người dân để phát huy thực sự hiệu quả tiềm năng tỉnh nhà đang nắm giữ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI