THỪA THIÊN - HUẾ

Ngành Ngân hàng: Khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế

10:25:28 | 16/2/2024

Năm 2023 là năm ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng bởi những biến động phức tạp, khó lường, đặc biệt là áp lực lạm phát, tỷ giá và khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu. Trước bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Tích cực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Nguồn vốn đầu tư tín dụng được hệ thống ngân hàng cung ứng kịp thời cho nền kinh tế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, 01 Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, 07 quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, có 11 chi nhánh loại 2 thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, 95 phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng, 141 điểm giao dịch tại xã, phường của NHCSXH tỉnh. Với mạng lưới phủ khắp, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ của doanh nghiệp (DN) và người dân trên địa bàn.

Hoạt động hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế tiếp tục được triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5 - 2%/ năm, qua đó tạo định hướng cho việc giảm lãi suất của hệ thống các ngân hàng trong thời gian qua. Trên địa bàn, NHNN tỉnh thực hiện giám sát chặt chẽ các TCTD về việc thực hiện các quy định về lãi suất và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các khoản dư nợ hiện hữu.

Cùng với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, ngành Ngân hàng Thừa Thiên Huế cũng tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS). Hiện nay, 100% các chi nhánh NHTM đã cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử như: Internet Banking, SMS Banking, ứng dụng ngân hàng trên App,…

Tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn

Ông Lê Việt Sỹ - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của địa phương, thời gian tới, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo Chỉ thị của Thống đốc NHNN và Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam; chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thông qua NHCSXH,...

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong hoạt động nhằm đổi mới, đơn giản hóa quy trình, thủ tục giao dịch với khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, minh bạch hóa thông tin tín dụng, công khai về quy trình, thủ tục hồ sơ, lãi suất, phí dịch vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, chính sách của Hội sở bằng cách thường xuyên đăng tải thông tin trên website của đơn vị, niêm yết tại quầy giao dịch để DN và người dân dễ dàng, thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin, hồ sơ vay vốn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn cần tích cực tham gia kết nối Ngân hàng - DN để kịp thời nắm bắt nhu cầu về vốn cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng. Thông qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời thu hút nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

Mạnh Dũng (Vietnam Business Forum)