Được định hướng là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, với nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử, du lịch, nghỉ dưỡng, thị xã Sơn Tây xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, nền tảng để phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Bắc Thủ đô.
Thị xã Sơn Tây mang đậm bản sắc riêng về văn hóa với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng
Phát huy tiềm năng văn hóa - di sản
Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, thị xã Sơn Tây có vai trò quan trọng trong giao thương, kết nối trong vùng thủ đô và các vùng xung quanh. Đây là vùng đất đặc thù, mang đậm bản sắc riêng về văn hóa với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng.
Trên địa bàn thị xã hiện có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Ngoài ra còn có rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm, hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam,... Hai điểm du lịch được UBND TP.Hà Nội công nhận điểm du lịch là: Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.
Bên cạnh đó, là vùng bán sơn địa, Sơn Tây có điều kiện địa hình, môi trường tự nhiên thuận lợi để phát triển theo định hướng xanh, hiện đại và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh này, những năm qua, thị xã đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ với nhiều mô hình, điểm đến du lịch mới, như: Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu - Sơn Tây (xã Đường Lâm).
Năm 2023, mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách nhưng thị xã vẫn tiếp đà ổn định với những khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao. 10/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt 110% kế hoạch giao. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước thực hiện 5.798 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 9,2% so với cùng kỳ; doanh thu ngành thương mại - dịch vụ đạt 6.732 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện đạt 1.328 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 02% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch đến thị xã năm 2023 ước đạt 1.175.000 lượt, trong đó có 22.400 lượt khách nước ngoài.
Sơn Tây có điều kiện địa hình, môi trường tự nhiên thuận lợi để phát triển theo định hướng xanh, hiện đại
Phấn đấu trở thành trọng điểm du lịch của Thủ đô
Ông Ngô Đình Ngũ, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Giai đoạn 2025 - 2030, thị xã phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, định hướng phát triển kinh tế gắn với văn hóa, du lịch; đô thị hóa gắn với kinh tế đô thị, tạo bước phát triển đột phá để sớm đưa thị xã Sơn Tây trở thành đô thị loại II. Cùng với duy trì, phát huy sản phẩm du lịch hiện tại, Sơn Tây sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới cho du khách, như: Trải nghiệm thực tế làm nhà nông, tham quan trang trại trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thăm làng nghề truyền thống,… Thị xã cũng sẽ hợp tác với các địa phương khác tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây Hà Nội.
Về định hướng quy hoạch, Sơn Tây sẽ tập trung nguồn lực, hình thành 3 khu du lịch chính là khu du lịch Đồng Mô; khu Trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Làng cổ Đường Lâm và khu du lịch Xuân Khanh.
Sơn Tây phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô
Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, thị xã đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện 03 tuyến đường giao thông khung huyết mạch, gồm: Đường 413, tỉnh lộ 414 và tuyến đường Thanh Vị. Báo cáo UBND thành phố phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư một số dự án lớn, trọng điểm, như xây dựng tuyến đường: Ngô Quyền - Phùng Hưng, Cầu Cộng đi đường tránh quốc lộ 32, quốc lộ 21 (Tuyến đường tránh quốc lộ 32) đi xã Cam Thượng, huyện Ba Vì,… Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, liên hoàn, mở ra không gian phát triển mới thúc đẩy các hoạt động đầu tư, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá.
“Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và “Xanh, thông minh” là quan điểm phát triển xuyên suốt của Sơn Tây. Đây cũng sẽ là cơ sở vững chắc để thị xã từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch, văn hóa, trọng điểm phát triển du lịch của xứ Đoài nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung”, ông Ngô Đình Ngũ nhấn mạnh.
Lê Nam (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI