Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cũng như sớm triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam đang vào cuộc với quyết tâm mạnh mẽ, hành động quyết liệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
![]() |
Ông có thể cho biết tỉnh đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2024?
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam giảm 8,25%, là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Quý I/2024, tình hình kinh tế cũng phục hồi chậm, GRDP giảm 3,1% so với cùng kỳ, mức tăng thấp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Dự báo các tháng tiếp theo trong năm còn diễn biến phức tạp nên việc vực dậy kinh tế và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, nổi bật như GRDP tăng 7,5 - 8% là nhiệm vụ nặng nề. Do vậy, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp đột phá trọng tâm sau:
Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; rà soát các quy hoạch liên quan, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, nhất là đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Đẩy mạnh thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược về xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là đẩy nhanh đầu tư tuyến đường Võ Chí Công, các tuyến nối từ đường Võ Chí Công đến quốc lộ 1; quốc lộ 14E, các cầu qua sông Thu Bồn, Vu Gia,…
Đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song hành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển; kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, phát triển dịch vụ hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển Chu Lai; thay đổi cơ cấu ngành kinh tế truyền thống sang kinh tế hiện đại, phát triển bền vững theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra tiến độ dự án trên địa bàn
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn kéo dài sang năm 2024, các dự án Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân cao nhất kế hoạch vốn năm 2024.
Nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh; tháo gỡ các vướng mắc cụ thể. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư để triển khai dự án.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu - chi ngân sách đảm bảo các nguồn thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao; bố trí ngân sách theo tỷ lệ phù hợp cho các công trình đang triển khai; tăng cường trách nhiệm trong thanh quyết toán, giải ngân vốn đầu tư công; thu hồi tạm ứng ngân sách,…
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, có giải pháp hiệu quả để cải thiện các chỉ số điều hành – quản địa phương như: PCI, PAPI, PAR INDEX,…
Để triển khai Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Quảng Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những chia sẻ của ông về vấn đề này?
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Quảng Nam bao gồm: (1) Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, (2) nâng cao năng lực cạnh tranh, (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, (4) nâng cao năng lực khoa học công nghệ. Các nhiệm vụ trọng tâm này đã được triển khai từ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tiếp tục thực hiện tại nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hoạch định trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm khẳng định tính nhất quán và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo thực hiện.
Cảng Chu Lai, cửa ngõ xuất khẩu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Thời gian qua, các cấp lãnh đạo đã kịp thời chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ một cách quyết liệt, từng bước phân nhóm, giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án nguồn vốn ngoài nhà nước với phương châm biến khó khăn, thách thức thành lợi thế, cơ hội phát triển.
Tỉnh đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xác định nội dung công việc do tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nội dung công việc được báo cáo, lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), điểm mấu chốt vẫn là yếu tố con người, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh,… Tỉnh sẽ làm gì để chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, nhất là vai trò của người đứng đầu?
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang là xu hướng chung của cả nước. Những năm qua, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện Chỉ số PCI, hàng năm đều xây dựng kế hoạch cải thiện Chỉ số PCI, trong đó xác định “yếu tố con người” và “tổ chức thực thi các nhiệm vụ, giải pháp” là gốc rễ của mọi cải cách, thay đổi. Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 17/11/2022 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ, trong đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các sở, ban, ngành và địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có kế hoạch triển khai, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung trong Thông báo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương.
KCN huyện Núi Thành
Theo đó, tỉnh sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy; điều động, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho hợp lý; đồng thời có những giải pháp quyết liệt hơn, sâu sát hơn, nhất là việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ thông qua việc thành lập Tổ kiểm tra công vụ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, có biện pháp cứng rắn để chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương và tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2024. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân, doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình”. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, chậm trễ trong giải quyết TTHC, đặc biệt ở các khâu: Giải phóng mặt bằng, các thủ tục về đất đai, đầu tư, cấp phép xây dựng, môi trường,...
Ông có thể cho biết tỉnh Quảng Nam đang tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư ra sao và những nỗ lực kiến tạo không gian đầu tư kinh doanh mới thời gian tới?
Thời gian qua, việc xúc tiến đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, hướng dẫn một cách có hệ thống, rõ ràng về trình tự, thủ tục đầu tư và quy định về quản lý các hoạt động đầu tư để các dự án đầu tư triển khai thuận lợi, đảm bảo tính công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần khơi thông nguồn lực đầu tư cho phát triển. Công tác CCHC, hỗ trợ đầu tư cũng được quan tâm thúc đẩy nên môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện qua từng giai đoạn. Nhờ vậy đến nay, Quảng Nam có 200 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD và 1.150 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 230 nghìn tỷ đồng.
Quy hoạch tỉnh được phê duyệt với quan điểm phát triển là chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế;… với mục tiêu đề ra đến năm 2030: Trở thành tỉnh phát triển Khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia;…
Tỉnh xác định muốn giữ chân lâu dài các nhà đầu tư hiện có và tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới cần phải tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và tỉnh đã làm khá tốt điều này. Nhà đầu tư đến Quảng Nam sẽ nhận được quan tâm, hỗ trợ từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là khó khăn, vướng mắc về TTHC, lao động, lưu thông hàng hóa, tiếp cận vốn, thị trường,… và đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc