QUẢNG NAM

Doanh nhân Nguyễn Đức Lực: Nỗ lực đưa sâm Ngọc Linh phát triển xứng tầm

14:35:21 | 2/7/2024

Cây sâm “bí mật” truyền đời trên đỉnh Ngọc Linh giờ đã nổi tiếng, được xác định là “quốc bảo” với tương lai xán lạn. Nhưng để sâm Ngọc Linh tỏa sáng trên núi cao, rừng già, cần có các chính sách và quy chế, quy định cụ thể và hơn thế là sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của xã hội, nhất từ các doanh nghiệp. Hiểu rõ điều này, doanh nhân Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm đã tiên phong đầu tư với nhiều tâm huyết, nguồn lực nhằm đưa cây sâm Ngọc Linh phát triển xứng tầm.


Trụ sở Công ty TNHH Sâm Sâm

Thời gian gần đây, cây sâm Ngọc Linh nhận được rất nhiều quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương: Từ trở thành “quốc bảo” - Sản phẩm Quốc gia (Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đến một Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030,… (Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023) đã được ban hành. Hiện Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực cũng được các bộ, ngành, địa phương góp ý trình Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Quảng Nam nằm ở sườn Đông dãy Ngọc Linh, từ nhiều năm trước đã ban hành nhiều cơ chế, thực hiện các giải pháp hoạt động khuyến khích, bảo tồn, phát triển loài cây quý hiếm này. Với huyện Nam Trà My, địa bàn cây sâm đứng chân, được đặc biệt quan tâm bằng nhiều hành động thiết thực, cụ thể.


Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (đầu tiên từ trái qua) đến thăm và làm việc với Sâm Sâm Group về phát triển vùng dược liệu công nghệ cao, tháng 12/2022

Hành trình đến với cây sâm Ngọc Linh

Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ. Riêng tại Quảng Nam, doanh nhân Nguyễn Đức Lực đã đi đầu từ dự định (năm 2008), sớm đầu tư vùng trồng (năm 2016), xây dựng nhà máy (120 tỷ đồng năm 2018) và hiện đầu tư lớn nhất (trên 200 tỷ đồng). Bởi với ông, sâm Ngọc Linh còn hơn cả duyên nợ để trở thành đam mê, khát vọng. Từ một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng ở miền núi Quảng Nam, có cơ hội biết đến, nghe nhiều về cây thuốc quý đất Trà Linh nhưng khi được sử dụng, ông cảm nhận rõ tác dụng, giá trị to lớn của loại cây tuy nhỏ bé nhưng có giá trị này để rồi theo đuổi và chinh phục.

Từ sự ấp ủ, tìm hiểu, năm 2014, ông quyết định trồng, “bén rễ” với cây sâm. Năm 2015, Công ty TNHH Sâm Sâm thành lập, đi đầu trong thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm theo chủ trương của tỉnh. Sự khởi đầu luôn khó khăn, mà cái khó lớn nhất là thuyết phục dân khoanh vùng sản xuất, bảo vệ vườn sâm. Hạn chế người dân đi lại trong rừng không đơn giản, bởi đó là thay đổi một tập tục. Công ty đã phối hợp với chính quyền đến từng hộ gia đình vận động khoanh vùng sản xuất với những cam kết lợi ích hài hòa. Ban ngày, bà con đi làm nên tối mới có thể họp bàn, thuyết phục và phải kéo dài cả năm mới có đất rừng để trồng.


Bí thư  Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết làm việc tại Sâm Sâm Group, tháng 02/2024

Năm 2016, được UBND tỉnh giao 10ha rừng, Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng mua cây giống trồng, bảo vệ, chăm sóc,… Từ đây, hành trình nắm bắt tập tính sinh trưởng; quy trình nhân giống; quản trị sinh - bệnh lý,... được đúc kết. Trồng sâm quy mô hộ gia đình không khó nhưng với doanh nghiệp rất phức tạp, một cơn gió lớn, một trận mưa xói lở, chuột cắn phá, sâu bệnh,… sẽ mất hết. Ngay năm đầu ấy, hơn 10.000 cây sâm bị nấm lá và hư củ đã khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Khó khăn thì nhiệt huyết lên cao, ông và cộng sự đã tìm người có chuyên môn để học hỏi; mời chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, chuyển giao cách quản trị vùng trồng,… Mất rất nhiều thời gian ăn, ngủ tại vườn, ông đã đúc kết được quy trình gieo ươm, chăm sóc, quản lý sâu bệnh, thu hoạch, nhân giống cây sâm; đáp ứng được các tiêu chuẩn về dược tính, dược lý, hàm lượng hoạt chất, khoáng chất, vi lượng. Từ thành công này, doanh nghiệp đã mở rộng diện tích vùng trồng lên 200ha, gieo ươm và trồng được 500.000 cây sâm.


Các chuyên gia DFCD & WWF khảo sát vùng trồng của Sâm Sâm Group, tháng 3/2023

Đưa cây sâm thành sản phẩm hàng hóa

Khi chuẩn hóa được quy trình trồng, chăm sóc, Công ty bắt đầu đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng chiết xuất, bào chế, sản xuất các loại dược phẩm có nguồn gốc sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý có ở Quảng Nam,… Năm 2018, Sâm Sâm đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Chiết xuất tại KCN Tam Thăng trên diện tích 2,5ha. Từ đây, lần lượt hàng chục thực - dược phẩm có nguồn gốc sâm Ngọc Linh ra đời, có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Công ty cũng đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học, tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (NCM) in-vitro từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam. Hiện Sâm Sâm đã trồng thử nghiệm 23.000 cây giống, đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt. Thành công nhân giống bằng nuôi cấy mô đã giúp lưu giữ nguồn gen quý và giải được bài toán nguồn giống cho việc trồng quy mô công nghiệp. Sâm Sâm trở thành đơn vị tiên phong nghiên cứu phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nhân giống vô tính với năng lực sản xuất 01 triệu cây giống/năm (năm 2030 đạt 05 triệu cây giống/năm).

Để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị cây sâm Ngọc Linh, Công ty cũng đang phát triển vùng dược liệu 100ha tại huyện Nam Giang với vốn đầu tư 100 tỷ đồng và sớm xây dựng thêm một nhà máy lớn; từng bước hiện thực hóa khát vọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược liệu và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.


Vườn sâm của Công ty Sâm Sâm

Liên kết phát triển

Dù đạt được những thành công nhưng doanh nhân Nguyễn Đức Lực vẫn luôn trăn trở về tương lai: Tại sao Hàn Quốc có thể phát triển ngành công nghiệp sâm “tỷ đô” và nhiều câu hỏi luôn làm ông trăn trở. Sau nhiều cân nhắc, ông cho rằng, đã đến lúc cần một cơ chế đặc thù về phát triển sâm Ngọc Linh. Hàn Quốc đã có đạo luật về nhân sâm thì Việt Nam cũng nên có các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, hàm lượng đánh giá; các quy định, kiểm soát cụ thể hàm lượng sâm Ngọc Linh trong từng sản phẩm (dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm,…) để tránh đánh đồng sâm Ngọc Linh với loại sâm khác, đồng thời phải có cơ chế kiểm soát về giá. Để phát triển ngành sâm bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc, phải áp dụng đồng bộ về quản lý chất lượng, nguồn dinh dưỡng, kiểm soát bệnh,… đảm bảo ko ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Những vấn đề này, Sâm Sâm đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất các cơ quan Nhà nước sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch hơn.

Để thúc đẩy phát triển cây sâm Ngọc Linh hiện cũng cần có nhiều doanh nghiệp vào cuộc một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Nhưng để nhà đầu tư gắn bó lâu dài với cây sâm cũng cần sớm tháo gỡ khó khăn về vốn. Hiện ngân hàng rất dè dặt cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vùng trồng dược liệu. Hình thành nên vùng sâm Ngọc Linh có chi phí rất lớn bởi giá cây giống cao (150.000 đồng/hạt) trong khi chu kỳ khai thác kéo dài 3 - 5 năm thậm chí hơn nhưng doanh nghiệp phải tự xoay xở. Hiện vùng trồng Sâm Sâm Group có giá trị hàng trăm tỷ đồng nhưng không thể vay vốn bởi đất rừng, cây sâm không thể đem thế chấp. Hơn thế loại cây có giá trị cao này hiện cũng thiếu cơ chế bảo hiểm. Ông Lực chia sẻ: sâm Ngọc Linh muốn phát triển tốt phải được trồng dưới tán rừng, đó là quy luật của tự nhiên. Để sản phẩm Quốc gia phát triển rất cần có sự liên kết giữa các “nhà” và cây sâm Ngọc Linh đang rất cần sự quyết liệt của chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức tài chính, sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp và cả sự đồng thuận, xây dựng của nhân dân.

Bình Minh (Vietnam Business Forum)