QUẢNG NAM

Sức hút từ du lịch xanh

14:49:29 | 2/7/2024

Từ nỗ lực đưa ngành Du lịch địa phương phát triển theo định hướng xanh, bền vững, các điểm đến tại Quảng Nam ngày càng thu hút du khách và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.


Họp báo công bố Chương trình kích cầu du lịch Quảng Nam năm 2024

Điểm đến du lịch xanh

Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đã lấy lại đà tăng trưởng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2023 đạt hơn 7,5 triệu lượt, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa đạt gần 3,7 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2023 đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 18.683 tỷ đồng.

Tiếp nối sự phục hồi trong năm 2023, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách quốc tế đến Quảng Nam đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 04 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt gần 2,5 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: Khách quốc tế đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa đạt gần 01 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để kích cầu thu hút khách du lịch. Cụ thể là: Đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022, chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” với 212 sự kiện, hoạt động; phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch MeKong năm 2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch; Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam lần thứ VII, Hội An năm 2023 (thu hút sự tham gia của gần 600 nghệ sĩ, diễn viên của 18 đoàn hợp xướng đến từ 07 quốc gia và vùng lãnh thổ); sự kiện Hội An - Chào năm mới; Festival Biển “Hội An - Vũ điệu mùa hè; Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa”;… Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Du lịch xanh đã và đang là một xu hướng phát triển tất yếu của du lịch toàn cầu, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch nói riêng cũng như cộng đồng xã hội nói chung. Từ năm 2019, Quảng Nam đã bắt đầu đưa ra thông điệp nhất quán về phát triển du lịch xanh và sau đó trở thành địa phương đi đầu của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh. Nhờ đó, các điểm đến tại Quảng Nam đã ngày càng thu hút du khách và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Tháng 4/2023, chuyên trang du lịch Wanderlust của Anh đã lựa chọn Quảng Nam là một trong 04 điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á, với những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường. Quảng Nam là đại diện duy nhất ở Việt Nam góp mặt trong danh sách này cùng với Bhutan, Singapore và đảo Atauro (Đông Timo). Quảng Nam được đánh giá là một điểm đến thân thiện với môi trường, khi các doanh nghiệp địa phương đều hướng tới sản phẩm du lịch bền vững.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, du lịch là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Quảng Nam đang rà soát, điều chỉnh và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi nhất về giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn,... để thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng hiện đại với hàm lượng công nghệ cao và “xanh”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào đề cử hạng mục “Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á” thuộc giải thưởng World Travel Awards khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 năm 2024.

Đồng thời, tăng cường ngân sách để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng kết nối khu, điểm du lịch, kết nối tỉnh Quảng Nam với các địa phương phụ cận, các trung tâm du lịch lớn của cả nước; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và bảo vệ môi trường du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên cơ sở hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư và tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Du lịch đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách, cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng; nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch là một trong những chủ trương lớn của tỉnh. Do đó, ngành Du lịch cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam; xây dựng chương trình kích cầu du lịch năm 2024. Song song với đó, cần xây dựng, tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số về các di sản văn hóa, danh thắng, khu, điểm đến, cơ sở dịch vụ, thị trường du lịch để người dùng có thể làm giàu tài nguyên du lịch.

Mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030: Có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển làm nền tảng phát triển du lịch, thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa.

Đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Duy Anh (Vietnam Business Forum)