NINH BÌNH

Tạo động lực phát triển đô thị

15:44:26 | 9/8/2024

Không chỉ tích cực tham mưu, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thu hút đầu tư, ngành Xây dựng tỉnh Ninh Bình còn triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.


UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về quản lý và phát triển thành phố di sản cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO

Quy hoạch “đi trước một bước”

Xác định quy hoạch “đi trước một bước” để định hướng phát triển đô thị đồng bộ, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Sở đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh việc triển khai đồng bộ, đầy đủ các cấp quy hoạch; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tốt. 02 đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình, Quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An). Bên cạnh đó, 05/05 đồ án quy hoạch vùng huyện, 08/08 quy hoạch chung đô thị, 18 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt;...

Đối với quy hoạch đô thị, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức lập quy hoạch để tạo động lực phát triển đô thị. Hiện tại, một số quy hoạch chung đô thị quan trọng được tổ chức lập, phê duyệt và điều chỉnh, như điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Gián Khẩu đến năm 2045, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Điệp, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phát Diệm;...

Để nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, Sở Xây dựng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc và nâng cao chất lượng hồ sơ quy hoạch. Trong đó, yêu cầu việc lập quy hoạch cần tuân thủ các định hướng chủ trương của tỉnh, phù hợp với quy hoạch cấp trên, có tầm nhìn dài hạn, có tính kết nối đồng bộ và lấy con người làm trung tâm quy hoạch, bổ sung các quỹ đất cây xanh, công cộng phục vụ cho hoạt động đô thị.

Ông Đinh Đức Hữu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết: Các đồ án quy hoạch cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển, làm cơ sở để quản lý xây dựng cũng như làm căn cứ thu hút các dự án đầu tư. Chất và lượng của các đồ án quy hoạch thay đổi theo hướng tích cực, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương. Cùng với Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đồ án quy hoạch xây dựng là cơ sở để từng bước đầu tư, phát triển Ninh Bình, phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản thiên niên kỷ.

Hướng đến phát triển đô thị xanh - sạch - thông minh

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, Ninh Bình là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam - Bắc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2050 trở thành một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 56,1% và kinh tế đô thị giữ vai trò trọng tâm, động lực và tăng trưởng chiếm trên 70% GRDP.

Thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình sẽ thúc đẩy phát triển khu vực đô thị, nơi có vai trò đóng góp phần lớn kinh tế cho tỉnh. Bám sát yêu cầu này, thời gian tới, ngành Xây dựng tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, yêu cầu các quy hoạch lấy trung tâm là các khu công cộng, cây xanh. Triển khai thực hiện công việc tiếp theo của Đề án Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong công tác lập chương trình phát triển từng đô thị, đề án phân loại đô thị.

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Ninh Bình sẽ phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa với định hướng 07 đô thị trung tâm, gồm 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II và 05 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.

Đối với các dự án cơ sở hạ tầng do Sở thẩm định, yêu cầu các chủ đầu tư quan tâm thực hiện các hạng mục công việc liên quan đến hạ tầng khu cây xanh, công cộng, có sự kết nối đồng bộ về hạ tầng khu vực. Qua đó, nâng cao nhận thức về ưu tiên quy hoạch và đầu tư đất công cộng, cây xanh. Song song với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian xây dựng công trình.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động xây dựng; tham gia các hội nghị đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc; duy trì đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Bùi Liên (Vietnam Business Forum)