Kho bạc Nhà nước (KBNN) Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số,… góp phần thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Kho bạc Nhà nước Ninh Bình tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua năm 2024
Thời gian qua, bám sát chủ trương, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh, Chương trình công tác của KBNN, KBNN Ninh Bình đã chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện tốt nhiêm vụ được giao. Tính đến ngày 23/6/2024, số thu NSNN trên địa bàn tỉnh là 7.687 tỷ đồng, đạt 41% dự toán; tổng chi NSNN qua KBNN là 9.390 tỷ đồng, trong đó: Chi thường xuyên: 7.202 tỷ đồng, đạt 51,2% dự toán; chi đầu tư xây dựng cơ bản là 2.188 tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch vốn.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, KBNN Ninh Bình đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý tài chính ngân sách, góp phần vào nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội. Các khoản thu, chi NSNN, vốn, quỹ, tài sản nhà nước được tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn tiền và tài sản.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, đáp ứng Chiến lược phát triển của KBNN và ngành Tài chính. Đặc biệt, bên cạnh nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, KBNN Ninh Bình cũng không ngừng đổi mới và hiện đại hóa hoạt động. Đơn vị đã đầu tư cơ sở hạ tầng về CNTT đầy đủ, đồng bộ từ các máy chủ, máy trạm đến hạ tầng đường truyền kết nối liên thông trong tỉnh cũng như từ Trung ương tới địa phương và ngược lại. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT thực hiện công tác chuyên môn; phối hợp với hệ thống ngân hàng triển khai công tác phối hợp thu, các hình thức thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương điện tử,...
Đối với quản trị nội bộ, đã tăng cường triển khai, ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ chuyên môn và quản trị nội bộ. Từng bước tiếp nhận và triển khai các dự án CNTT nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động KBNN giai đoạn 2021 - 2025, như: Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS; xây dựng và triển khai chương trình liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản (từ ĐTKB - GD sang TABMIS và Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng; xây dựng dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN và tích hợp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến,…
Đến nay, đã có 1.037/1037 đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh đăng ký sử dụng dịch vụ công, đạt tỷ lệ 100%. Cùng với đó, đã không ngừng gia tăng tiện ích trên dịch vụ công trực tuyến, triển khai thanh toán tự động dịch vụ điện, nước, viễn thông thông qua ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đã có 11 thủ tục của các tổ chức, cá nhân giao dịch với KBNN được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN.
Kho bạc Nhà nước Ninh Bình luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, từ ngày 01/10/2022, KBNN Ninh Bình không thực hiện thu, chi trực tiếp tiền mặt; mọi hoạt động thu, chi tiền mặt được thực hiện tại các ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu.
Ông Đinh Văn Hợp, Giám đốc KBNN tỉnh Ninh Bình cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, KBNN tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, hạch toán kịp thời, phân chia chính xác theo tỷ lệ quy định cho các cấp ngân sách. Thường xuyên báo cáo số liệu kịp thời cho các cấp chính quyền địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, để công tác kiểm soát chi đảm bảo chặt chẽ, an toàn nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện cho các đơn vị thụ hưởng, đơn vị cũng chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp: Phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản kiểm soát chi NSNN đến các đơn vị sử dụng ngân sách và công chức. Đồng thời, hướng dẫn về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước hằng năm để nắm vững và thực hiện đúng quy định.
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm giải ngân đạt trên 95%, Ban lãnh đạo KBNN Ninh Bình sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt đến các đơn vị, các công chức đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định. Thực hiện kiểm soát chi kịp thời, đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, không để hồ sơ chậm thanh toán mà không rõ lý do.
Tin tưởng rằng, với tinh thần nhiệt huyết, năng động, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể công chức và người lao động, KBNN Ninh Bình sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)