Đến nay sau 20 năm xây dựng phát triển, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã được định hình rõ nét với tổng chiều dài 3.670 km. Hệ thống giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh gồm 3 Quốc lộ là QL51, QL55, QL56 với tổng chiều dài 132 km đã được cải tạo nâng cấp, đạt quy mô đường cấp 1 đến cấp 3 đồng bằng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng khai thác. Thông qua Quốc lộ 51, Bà Rịa – Vũng Tàu đã kết nối với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối với các tỉnh Tây Nguyên thông qua Quốc lộ 56 và các tỉnh miền Nam Trung bộ thông qua Quốc lộ 55.
Hệ thống tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 617 km các tuyến trục tỉnh lộ, huyện lộ được quy hoạch và đầu tư xây dựng như những tĩnh mạnh chính đan xen liên kết với trục quốc lộ tạo ra bộ khung kết cấu chung cho hạ tầng giao thông của tỉnh.
Riêng hệ thống đường đô thị chính gồm 182 tuyến có chiều dài hơn 381 km được đầu tư xây dựng với đầy đủ các hạng mục kết cấu hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng,... hình thành nên nhiều khu đô thị khang trang, hiện đại. Ngoài các tuyến tỉnh lộ, đường đô thị thì hệ thống đường giao thông huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn cũng rất phát triển làm cho mạng lưới giao thông càng thêm phong phú, đa dạng và đều khắp trên toàn tỉnh.
Có được những kết quả trên là do ngành giao thông đã biết phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố Vũng Tàu, tranh thủ khai thác tối đa các nguồn lực, kể cả nguồn lực tại chỗ, nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng, phát triển và quản lý tốt hệ thống giao thông.
Hiện nay, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch đã được duyệt, ngành giao thông vận tải đang tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư, khai thác hệ thống cảng và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, như các tuyến đường: Tuyến đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải là tuyến đường chạy sau hàng rào của hơn 33 cảng khu vực Cái Mép –Thị Vải, được đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 6.381 tỷ đồng; tuyến đường 965 đang được đầu tư bằng nguồn vốn ODA kết nối các cảng khu vực Cái Mép với tuyến Quốc lộ 51…
Để giao thông vận tải theo kịp và phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực, ông Lương Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết giai đoạn 5 năm 2011-2015, toàn ngành tập trung nguồn lực xây dựng cảng biển nước sâu tại Cái Mép, Sao Mai – Bến Đình, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics để hình thành những cảng trung tâm có quy mô mang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển xa của Việt Nam, thu hút nguồn hàng trung chuyển quốc gia, quốc tế. Phát huy lợi thế biển, bờ biển, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, xác định phát triển cảng là nhiệm vụ trung tâm. Xây dựng hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải trở thành hệ thống cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế. Tập trung phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, logistic, du lịch, dầu khí, vận tải, hàng hải và các dịch vụ khác tạo bước phát triển đột phá về dịch vụ giai đoạn 2011-2015.
Ngoài ra toàn ngành giao thông cũng sẽ ưu tiên đầu tư mạnh kết cấu hạ tầng thiết yếu, trước hết là hệ thống đường giao thông kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với các đường quốc lộ và các đường vành đai của khu vực.
Những kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung, các vùng kinh tế trọng điểm cũng như thành phố Vũng Tàu nói riêng. Đây cũng là cơ hội lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu gia tăng sức hút cho môi trường đầu tư, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
Duy Tân
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI