Năm 2014 được coi là năm bản lề của Điện Biên trong công tác thực hiện nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Mặc dù gặp không ít khó khăn vướng mắc nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành lao động, thương binh và xã hội đã tạo được những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là trong công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Thời gian qua lạm phát và suy giảm kinh tế tác động không nhỏ đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên và ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định bền vững, trong đó mục tiêu giải quyết việc làm được quan tâm đúng mức. Sau khi Nghị quyết Đại hội toàn tỉnh được đề ra, Ban giám đốc và các phòng lao động, thương binh và xã hội các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở thường xuyên tổ chức các buổi họp bàn để thống nhất giải quyết những vướng mắc trong khi thực hiện nhiệm vụ. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề cấp bách để chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đúng tiến độ. Thường xuyên bám sát thực tiễn để tham mưu với tỉnh ủy, HĐND, UBND, cơ quan chức năng để có những biện pháp xử lý kịp thời khi có biến cố…
Với sự quan tâm sát sao của Sở, ngành và Nhà nước, công tác đào tạo nghề của tỉnh bước đầu khởi sắc, tăng cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở dạy nghề (01 trường cao đẳng nghề, 07 trung tâm dạy nghề cấp huyện và 04 đơn vị khác có chức năng dạy nghề). Giai đoạn 2010-2013, quy mô đào tạo tăng lên 8.500 - 9.000 người/năm và tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề (2010-2013) đạt 71,22%. Đội ngũ lao động sau đào tạo có trình độ tay nghề cao, chuyên môn kỹ thuật giỏi, hướng đến thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Điện Biên đã trình tỉnh phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và phê duyệt định mức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-Ttg, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Công tác dạy nghề đã góp phần tích cực tạo việc làm và xóa nghèo đói cho người dân, trong 4 năm (2010-2013), toàn tỉnh tổ chức dạy nghề cho 31.821 người, trong đó có 20.638 lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề ngắn hạn từ các chính sách của Nhà nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực và xem đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong các tiêu chí nhiệm vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Điện Biên sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò của các cấp, các ngành và toàn xã hội, làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực lao động; Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nguồn nhân lực; Mở rộng liên kết đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh.
Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Điện Biên cho biết: Ngoài nguồn kinh phí cấp riêng cho công tác đào tạo nghề, Điện Biên đã lồng ghép và huy động nguồn vốn từ nhiều chương trình khác như khuyến công, khuyến nông, chương trình 135 giai đoạn II... nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020. Riêng trong 2 năm 2011-2012, Điện Biên đã huy động được 13,42 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các chương trình, dự án khác để chi cho công tác đào tạo nghề, đạt 35% nhu cầu. Cụ thể, tỉnh đã huy động được 4,2 tỷ đồng từ Chương trình 30a; 3,6 tỷ đồng từ Chương trình 135 giai đoạn II; 1,3 tỷ đồng từ Chương trình khuyến công; 0,85 tỷ đồng từ Dự án di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La và 3,47 tỷ đồng từ ngân sách chi thường xuyên của các huyện, thị xã... trên địa bàn tỉnh. Những đơn vị làm tốt công tác này có thể kể đến là: Trường cao đẳng nghề Điện Biên, Trung tâm Dạy nghề huyện Tuần Giáo... Qua những chương trình đạo tạo và lồng ghép này chắc chắn nguồn lao động Điện Biên sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI