Cùng với sự phát triển chung của làng nghề cả nước, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, phù hợp xu thế hội nhập kinh tế, từ đó, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 55 làng nghề được công nhận. Hiện nay, thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng. Một số làng nghề có doanh thu cao là làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ), làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm).
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các làng nghề vẫn còn một số hạn chế như: Sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường sản xuất. Việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số làng nghề, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước, mặt bằng sản xuất… còn chật hẹp, chưa đồng bộ. Nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu hàng hóa dẫn đến sức cạnh tranh kém. Lao động ở các làng nghề phần lớn không qua đào tạo cơ bản nên khó tiếp thu công nghệ mới, tác phong sản xuất công nghiệp và ý thức hoạt động nghề còn mang tính thời vụ…
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian tới, các làng nghề cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống nước thải… Chú trọng đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Bổ sung lao động cho làng nghề bằng hình thức mở các lớp đào tạo theo phương thức truyền nghề, hoặc có thể liên kết với các trường dạy nghề.
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)