Những năm qua, quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai không ngừng được mở rộng. Đội ngũ, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần đưa chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên.
Những kết quả nổi bật
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 758 trường mầm non và phổ thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, năm học 2019-2020, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp đạt 88,5%; tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99,9%, cấp trung học cơ sở đạt 90%, tăng 13,7%, trung học phổ thông đạt 52%.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,13%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, đến năm 2020 tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 50,0% nhưng hiện nay đã đạt 50,13%, vượt 0,13% so với chỉ tiêu.
Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của tỉnh và chất lượng giải tăng lên nhiều. Nếu như năm học 2017-2018 có 16 giải, năm học 2018-2019 có 13 giải thì năm học 2019-2020 có 28 giải, đặc biệt có 18/18 học sinh thuộc 3 đội tuyển môn Sinh học, Ngữ văn và môn Địa lí đều đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh tăng bền vững, năm học 2018-2019 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh đạt 90,62%. Năm học 2019-2020 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh đạt 97,53%, tăng 6,91%.
Hiện nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành đa số có năng lực chuyên môn vững vàng, trình độ đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng lên đáng kể. Tính đến ngày 31/5/2020, số giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của giáo viên bậc mầm non là 96,3%; cấp tiểu học là 99,1%; cấp trung học cơ sở là 98%; cấp trung học phổ thông là 100%, toàn tỉnh có 5 tiến sĩ và 511 thạc sĩ.
Không ngừng đổi mới
Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Gia Lai đã có nhiều nỗ lực đổi mới. Ngành đã thực hiện đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, phổ thông. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuyên đề tích hợp, liên môn. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, sinh viên. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện giảm tải chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi.
Cụ thể, đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông: Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, tiếp cận CT GDPT mới phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo tiền đề thuận lợi cho giáo viên chuyển sang thực hiện CT GDPT mới.
Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học: Các hoạt động chuyên môn được đổi mới phương pháp và hình thức theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập.
Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá: quan sát các hoạt động trên lớp; qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; qua kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật; qua kết quả thực hành, thí nghiệm; qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục: Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng cấp học trong CT GDPT hiện hành, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của CT GDPT hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, các hoạt động giáo dục, tiếp cận định hướng CT GDPT mới, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh. Xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường theo hướng sắp xếp lại các tiết học trong sách giáo khoa nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Nguồn: Vietnam Business Forum