Vượt qua những thách thức, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Quảng Trị đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Trị đã chia sẻ về những kết quả mà ngành đạt được cũng như định hướng phát triển trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật ngành đạt được trong những năm qua?
Những năm qua, hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển. Quảng Trị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu trong toàn tỉnh, tạo môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam dành cho cấp tỉnh, từng bước hiện đại hóa nền hành chính đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin, truyền thông của người dân.
Công tác quản lý báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở ngày càng được tăng cường. Hoạt động báo chí, phát thanh và truyền hình, xuất bản và phát hành sách không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận các thông tin kể cả vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Cùng với đó, ngành TT&TT triển khai các dự án thành phần của dự án Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Trị; trục liên thông văn bản tỉnh; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh; triển khai kết nối trục nền tảng chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) với trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP) và trục nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Ngành cũng thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến 2030”; Xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh;…
Đến nay, 100% văn bản (trừ văn bản mật) của các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh được thực hiện dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản song song cùng văn bản giấy), thực hiện trao đổi thông qua các hệ thống quản lý văn bản dùng chung. 100% các sở, ban ngành và địa phương sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong chỉ đạo, điều hành công việc.
Trước những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Sở TT&TT sẽ tập trung vào những định hướng nào để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, thưa ông?
Thời gian tới, ngành TT&TT sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu sau:
Về lĩnh vực bưu chính: Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của TMĐT; góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng trong lĩnh vực bưu chính; khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng Mã địa chỉ số gắn với Bản đồ số (Vpostcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong TMĐT và logistics. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. Thúc đẩy cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về lĩnh vực viễn thông: Chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng quan trọng của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã phường và các thôn được phủ sóng di động hoặc internet; phổ cập dịch vụ 4G, 5G đến 100% hộ gia đình; trên 60% gia đình có sử dụng ít nhất 01 thiết bị thông minh. Phát triển internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn.
Về lĩnh vực ứng dụng CNTT: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; chú trọng cải thiện xếp hạng chỉ số DTI (chỉ số chuyển đổi số), chỉ số cải cách hành chính; xây dựng các chính sách về dữ liệu mở; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân; ứng dụng công nghệ số để minh bạch hóa quy trình, thủ tục.
Về lĩnh vực báo chí, truyền thông: Mục tiêu báo chí, truyền thông phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan toả năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI