Với quyết tâm đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số (CĐS), xây dựng đô thị thông minh, tỉnh Sóc Trăng triển khai hàng loạt giải pháp trên nhiều lĩnh vực nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý, điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Đảm bảo hạ tầng viễn thông - CNTT
Những năm qua, hệ thống hạ tầng thông tin - truyền thông trên địa bàn Sóc Trăng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày càng nhiều DN viễn thông tham gia thị trường, cung cấp các loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật viễn thông cũng được đầu tư và phát triển với quy mô lớn, rộng khắp. Từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng (IOC Sóc Trăng)
Theo đó, hiện mạng lưới viễn thông trong tỉnh được đầu tư, phát triển, mở rộng phạm vi phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân. Hệ thống cáp quang đã đến 100% các xã; hạ tầng mạng ngoại vi được ngầm hóa khoảng 25%; dịch vụ 3G, 4G được phủ sóng đến 100% trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh. Tổng số thuê bao điện thoại khoảng 1.200.449 thuê bao, đạt 100,1 thuê bao/100 dân; tổng số thuê bao internet cố định 164.220 thuê bao, đạt 13,69 thuê bao/100 dân; tổng số trạm BTS là 1.288 trạm... Trong tháng 4 năm 2022, tỉnh sẽ triển khai phát sóng thử nghiệm một số trạm 5G trên địa bàn TP.Sóc Trăng.
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cũng phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Sóc Trăng được triển khai, đảm bảo kết nối liên thông các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương để khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, thông tin quan trọng của tỉnh. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đồng bộ, liên thông đến cấp xã.
Đặc biệt, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước đã kết nối cho 100% các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trung tâm Phục vụ hành chính công và Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh (IOC) chính thức đi vào hoạt động, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, chính quyền điện tử hiện đại, hiệu quả.
Hướng tới chính quyền số, xã hội số và kinh tế số
Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành CĐS trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “CĐS tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết cũng đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh gồm: Nông nghiệp; Du lịch; Y tế, Giáo dục và Đào tạo; An sinh xã hội.
Để cụ thể hóa các mục tiêu trong Nghị quyết 07-NQ/TU, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Đề án CĐS tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sở đã thành lập Tổ xây dựng đề án CĐS với cơ cấu thành phần bao gồm lãnh đạo của 5 lĩnh vực ưu tiên và mời các chuyên gia trong lĩnh vực CĐS cùng tham gia. Đến nay Dự thảo Đề án CĐS của tỉnh cơ bản đã hoàn thiện trên tinh thần phù hợp với nguồn lực của địa phương, phát huy tối đa tính đổi mới sáng tạo, tận dụng tổng thể các nguồn lực ngoài Nhà nước để thúc đẩy CĐS nhanh, mạnh các lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm là tập trung vào các vấn đề thiết thực, có thể sớm mang lại ngay hiệu quả.
Trong năm 2022, Sở TTTT sẽ thực hiện thí điểm mô hình CĐS cấp huyện trên tinh thần phát triển Chính quyền số để làm tiền đề phát huy các nguồn lực xã hội cùng chung tay thực hiện Kinh tế số, Xã hội số cho địa phương.
Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành CĐS đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. |
Một trong những thành tựu quan trọng về CĐS của Sóc Trăng là việc Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng (IOC Sóc Trăng) chính thức khai trương và vận hành vào ngày 11/01/2022. Đây là bản lề quan trọng, mở ra phong cách chỉ đạo điều hành mới cho lãnh đạo các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, từ cách làm truyền thống sang cách ra quyết định chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu số.
Trung tâm IOC tỉnh trước mắt đã thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan các hệ thống thông tin thuộc 10 lĩnh vực như: (1) Hệ thống giám sát hành chính công; (2) Giám sát Cổng thông tin điện tử; (3) Quản lý văn bản điện tử; (4) Lĩnh vực y tế; (5) Lĩnh vực giáo dục; (6) Lĩnh vực du lịch; (7) Thông tin tài nguyên và môi trường; (8) Hệ thống điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; (9) Hệ thống phản ánh kiến nghị; (10) Camera giám sát. IOC Sóc Trăng không chỉ là một trong những công trình trọng điểm chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng mà còn thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong CĐS, thực hiện thành công Nghị quyết số 07-NQ/TU.
Theo ông Dương Văn Nhân, Phó Giám đốc Sở TTTT Sóc Trăng, thực hiện các mục tiêu CĐS, tỉnh Sóc Trăng sẽ huy động tối đa các nguồn lực, vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT, số hóa... Tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng CĐS của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đồng thời khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, chú trọng phát triển kỹ năng số cho người dân, nhằm từng bước hình thành “công dân điện tử”.
Để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban ngành, địa phương đăng tải thông tin trên cổng thông tin của các đơn vị nhằm tăng cường tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của các DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; xây dựng Chương trình hỗ trợ DN CĐS… qua đó, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh”, Phó Giám đốc Sở TTTT Dương Văn Nhân cho biết thêm.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI