Nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) những năm qua đã góp phần đắc lực cho công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn ngày càng được nâng cao. Những kết quả trên còn cho thấy sự phát triển, không ngừng lớn mạnh của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sóc Trăng sau 20 năm thành lập.
“Bà đỡ” của người nghèo
Thực hiện Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 về thành lập NHCSXH Việt Nam, theo đó Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng cũng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 14/1/2003. Với trọng trách khởi nghiệp cùng người nghèo, Chi nhánh đã nỗ lực tăng trưởng dư nợ cho vay để người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chính sách, phục vụ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng triển khai chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ
Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đang triển khai 15 chương trình TDCS, tổng dư nợ đạt 4.000 tỷ đồng với hơn 149.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Riêng năm 2021, Chi nhánh đã giải ngân tương đương 1.200 tỷ đồng đến hơn 39 ngàn khách hàng để đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Trong gần 20 năm qua, đã có trên 596 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thuộc 109 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh được vay vốn, với tổng doanh số cho vay đạt trên 9.249 tỷ đồng. Nguồn vốn TDCS đã góp phần giúp trên 218 ngàn hộ nghèo của tỉnh vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 55 ngàn lao động, trong đó có gần 2 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 62 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 128 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng hơn 30 ngàn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…
Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS đã góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn vốn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2011-2015 từ 22,68% xuống 8,88% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 17,89% (năm 2016) xuống còn 1,64% (năm 2020).
Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Văn Xinh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn TDCS để từng bước khắc phục khó khăn và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Theo đó, Chi nhánh và các phòng giao dịch huyện, thị xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các đối tượng người lao động thuộc diện được vay vốn. Đồng thời, đa dạng hóa các chương trình TDCS, hỗ trợ lãi suất, giải quyết thủ tục cho vay nhanh gọn, minh bạch… Qua đó, góp phần giúp các đối tượng dễ tiếp cận vốn vay, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất.
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 17 lượt người sử dụng lao động với số tiền 3,62 tỷ đồng để trả lương cho 1.076 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng được trung ương giao chỉ tiêu thực hiện nguồn vốn địa phương ủy thác 15 tỷ đồng, phấn đấu vượt tối thiểu 5 -10% kế hoạch giao; Nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân; huy động từ tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn thực hiện đạt 100% kế hoạch giao trở lên; Chất lượng tín dụng: tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm tối thiểu 5% so với 31/12/2021; trong đó: tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức 0,5%. Ngoài ra, 100% các huyện, thị xã, thành phố có chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên, trong đó có 70% xếp loại Tốt. |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn TDCS, trong giai đoạn tới, theo Phó Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Văn Xinh, đơn vị sẽ bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đặc biệt tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Công văn số 198-CV/TU ngày 25/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, huy động mọi nguồn lực, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hiệu quả. Trong đó tập trung vào các chương trình TDCS như: Cho vay theo Nghị định 100 về nhà ở xã hội để người lao động làm việc tại các KCN ở địa phương, nhà ở cho người thu nhập thấp; Cho vay chuyển đổi nghề nghiệp, mô hình sản xuất nâng cao thu nhập; Cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP…
Đặc biệt, Chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH và nguồn vốn trung ương, theo các dự án để tập trung cho vay các chương trình TDCS giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.
“Năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng bước sang năm thứ 20 xây dựng và phát triển. Phát huy những kết quả đạt được suốt gần 2 thập kỷ song hành với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đơn vị sẽ đẩy mạnh các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao trách nhiệm, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ để đủ sức đảm đương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Văn Xinh cho biết thêm.
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI