ĐÀ NẴNG

Nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

16:16:33 | 17/5/2022

Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của thành phố Đà Nẵng đề ra định hướng nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước.

Theo Quyết định số 593/QĐ-UBND, dự kiến Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của Đà Nẵng gồm các nội dung: Nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tập trung thu hút đầu tư để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau dịch bệnh Covid-19 như: Chuyển đổi hình thức quảng bá thu hút đầu tư từ trực tiếp sang trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ các thị trường đầu tư truyền thống và tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ...; có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tập trung kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực phục vụ công tác xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, tiến tới mục tiêu thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2018 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ... Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. Thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường

Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 được thực hiện với 7 mục tiêu: (1) Triển khai hiệu quả chủ đề năm 2022 "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”; vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ các công trình động lực, trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an ninh trật tự và đời sống nhân dân; (2) Xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực của thành phố trên nhiều phương diện như cơ sở hạ tầng, chính sách, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực... để thu hút nhà đầu tư. Chú trọng các thị trường đầu tư truyền thống, đã thiết lập mối quan hệ, đi đôi với việc tìm hiểu, chào đón các thị trường đầu tư tiềm năng mới; (3) Tập trung nguồn lực thu hút đầu tư để góp phần phục hồi nền kinh tế của thành phố sau Covid-19, góp phần thúc đẩy tình hình sản xuất kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu về mức tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải quyết lao động, việc làm; (4) Tập trung đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư về cơ chế, hạ tầng, nhân lực; (5) Không ngừng đổi mới, đa dạng hóa cách thức tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để đạt kết quả cao, trọng tâm, trọng điểm và tránh lãng phí như tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, tận dụng các quan hệ hợp tác quốc tế đã được thiết lập; (6) Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó, chú trọng phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đồng bộ với Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) và các khu công viên phần mềm; (7) Đảm bảo các hoạt động thu hút đầu tư sẽ đem lại kết quả phát triển kinh tế bền vững trong mối tương quan với xã hội và môi trường, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nguồn: Vietnam Business Forum