Bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước, Ngân hàng nhà nước (NHNN) tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án có lợi thế của tỉnh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn.
Nhà màng phơi cà phê của Công ty TNHH PM Coffee
Theo đó, ngành Ngân hàng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022 và năm 2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời chính sách HTLS đến toàn thể cán bộ, người lao động của chi nhánh và các đơn vị trực thuộc. Tích cực thực hiện công tác rà soát danh sách khách hàng vay vốn đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách HTLS theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; thông báo, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ để được thụ hưởng chính sách HTLS theo quy định nhằm phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả bước đầu đạt được đến 30/9/2022, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình được HTLS tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn đạt 50,16 tỷ đồng, số tiền đã HTLS cho khách hàng là 13.588.043 đồng với 10 khách hàng được HTLS.
Trong thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục nắm bắt, giải đáp kịp thời hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện HTLS; thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách HTLS của các chi nhánh NHTM trên địa bàn.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình HTLS 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các NHTM, sự hợp tác chặt chẽ của khách hàng để cùng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực kinh tế, các ngành sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2022, NHNN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2022 trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 13/01/2022. Theo đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10% - 12%. Trong đó, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngành công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), các chương trình, dự án trọng điểm, các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh (trồng, chăm sóc, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản). Về kết quả cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến 30/9/2022 đạt 66.446 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Cà phê là cây trồng chủ lực của địa phương và địa bàn Tây Nguyên; là ngành hàng cấp tín dụng truyền thống của các TCTD trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu báo cáo của các TCTD về kết quả cho vay cà phê niên vụ 2021 - 2022, doanh số cho vay (bao gồm trồng mới, chăm sóc, thu mua, xuất khẩu) bình quân đạt 20.754 tỷ đồng, cao hơn doanh số bình quân niên vụ (2020 - 2021). Dư nợ cho vay cà phê bình quân đạt 20.961 tỷ đồng (trong đó dư nợ bình quân cho vay thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu đạt 6.962 tỷ đồng). Tại thời điểm tháng 9/2022, dư nợ cho vay cà phê đạt 19.641 tỷ đồng, chiếm 14,92% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn tỉnh, với 115.756 khách hàng còn dư nợ (dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu đạt 6.433 tỷ đồng, chiếm 5,56% dư nợ cho vay cà phê, với 5.029 khách hàng còn dư nợ).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 49 đơn vị cấp 1, gồm 37 chi nhánh ngân hàng và 12 quỹ tín dụng nhân dân. Nếu tính cả chi nhánh loại 2 và phòng giao dịch, trên địa bàn có 225 điểm giao dịch ngân hàng trải khắp 15 huyện, thị xã và thành phố. Dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 131.803 tỷ đồng, tăng 109% so với đầu năm. |
NHNN tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cân đối, tập trung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh cà phê niên vụ 2022 - 2023 của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, đặc biệt là lúc cao điểm (tháng 11,12/2022 và tháng 01/2023). Các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã cam kết đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh (niên vụ 2022 - 2023), trước mắt dự kiến nguồn vốn cho vay khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.
Nguồn: Vietnam Business Forum