Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, những năm gần đây, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã chủ động đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho các hộ dân trong làng nghề.
Chương Mỹ là huyện dẫn đầu Hà Nội về số lượng làng nghề với 175 làng nghề truyền thống và làng có nghề. TạiThôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội còn có tên gọi là làng Bương. Bên cạnh nghề nông, người dân trong thôn còn làm nhiều nghề phụ như làm bún, làm mộc. Thông qua lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ người dân trong thôn mà có những nghề đã được nâng tầm lên thành bí quyết và được nhân dân nhiều vùng quê tôn vinh với danh truyền như “Làng bún Bương”, đối với nghề mộc thì được gọi với cái tên là “Thợ Bương”..
Nghề mộc của thôn Phù Yên có từ hàng trăm năm nay với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao. Đến nay, toàn thôn có gần 400 hộ làm nghề mộc, chiếm gần 50% tổng số hộ, trong đó số lao động làm nghề mộc khoảng gần 600 người. Toàn thôn có khoảng 50 xưởng sản xuất lớn, trên 100 tổ hợp sản xuất tại gia đình. Sản phẩm mộc của Phù Yên đã đưa ra thị trường nhiều tỉnh, thành khắp cả nước với những sản phẩm độc đáo như: nhà cổ, đồ thờ, đồ gia dụng mang bản sắc riêng của người thợ làng Bương xưa và Phù Yên nay. Năm 2016 thôn Phù Yên đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống”.
Ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên chia sẻ: Đây là nghề cha truyền con nối ở quê tôi. Nhiều năm trước, ở nhiều miền quê, nếp nhà gỗ cổ truyền của người dân Đồng bằng Bắc Bộ dần vắng bóng, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng bê tông cốt thép. Gần đây, nhiều gia đình tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác lại muốn xây dựng nhà gỗ bởi nét đẹp tự nhiên và thân thiện với môi trường... Từ đó, hàng trăm hộ dân trong làng lại có điều kiện phát huy nghề truyền thống
Để nâng cao năng lực sản xuất với mục đích sản phẩm làm ra nhiều và đẹp hơn, ngày một thu hút nhiều khách hàng, các chủ cơ sở làm đồ mộc đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc. Các thế hệ đi sau chịu khó học hỏi để sản phẩm làm ra vừa có tính thẩm mỹ vừa đáp ứng chất lượng. Họ đã cần mẫn, miệt mài không quản ngày đêm để “đứa con tinh thần” ra đời được khách hàng ưa chuộng. Bởi thế mà tất cả các công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm đều được thực hiện rất tỉ mỉ, hòa quyện để tạo nên những thước gỗ đậm dấu ấn truyền thống nhưng phù hợp với kiến trúc của các không gian khác nhau, Ông Tài nói
Những năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ điển chắc chắn phải nhắc đến những người thợ chuyên dựng nhà cổ tại làng Phù Yên. Nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của những khách muốn đặt dựng những ngôi nhà cổ với giá thành từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng. Không chỉ nổi tiếng với làm nhà cổ mà còn được mọi người biết đến là nơi sản xuất đồ thờ, đồ gia dụng nổi tiếng với các sản phẩm có mẫu mã tinh xảo và chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên Bùi Văn Tùng chia sẻ sự phát triển nghề mộc, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Để duy trì, phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương, các hộ sản xuất trong thôn Phù Yên cần nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động, đầu tư các thiết bị tiên tiến hiện đại nhằm góp phần làm giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, làng nghề mộc Phù Yên đang rất mong sớm có quy hoạch khu sản xuất tập trung để tạo điều kiện mở rộng mặt bằng nhà xưởng và đây cũng là giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông nông thôn trong khu dân cư.
Trên thực tế, việc sử dụng hợp lý các máy móc hiện đại vào sản xuất, cùng sự sáng tạo của nghệ nhân, tính truyền thống trong các làng nghề tại Chương Mỹ vẫn được bảo tồn và phát triển. Song song với đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng giúp công việc sản xuất trong làng nghề phát triển mạnh hơn, với sản lượng tăng cao, sản phẩm phong phú hơn, xuất hiện nhiều sản phẩm mới. Từ đó, năng suất lao động được nâng cao, thu nhập của người thợ thủ công cũng tăng lên. Nhiều làng nghề đã khởi sắc hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.
Bảo Đan (Vietnam Business Forum)