Với việc tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tiến tới nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành NN&PTNT Hải Phòng
Phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao
Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hải Phòng cho biết: Thành phố xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 1 trong 3 trục quan trọng của tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững, sử dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.
Trên địa bàn thành phố đã hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: 03 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 145ha, bao gồm: (1) Vùng sản xuất hoa công nghệ cao tại xã Đông Sơn, Thủy Nguyên, quy mô 5ha; (2) Vùng chăn nuôi gắn giết mổ tập trung tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, quy mô 20ha; (3) Vùng sản xuất đậu tương rau xuất khẩu tại xã Đồng Minh và xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, quy mô 120ha. Ngoài ra, còn có Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 212,35ha (Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Công ty TNHH VinEco đầu tư tại xã Tân Liên, Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo. Kinh phí đầu tư trên 450 tỷ đồng).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Lê Minh Hoan và Bí thư Thành ủy Hải Phòng - ông Lê Tiến Châu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP của Hải Phòng
Thành phố có 20.340ha vùng sản xuất tập trung (trong đó 14.500ha sản xuất trồng trọt, 312ha sản xuất chăn nuôi, 5.528ha sản xuất thủy sản) với giá trị sản xuất trung bình đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. Đã có 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô diện tích 489,6ha, kinh phí đầu tư 3.124 tỷ đồng.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ được tăng cường và đạt hiệu quả rõ rệt. Hàng năm, thành phố triển khai xây dựng từ 10 - 15 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình tự xây dựng tại các địa phương trên địa bàn thành phố; tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, tiến hành thực hiện gần 50 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa.
“Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được đầu tư tương xứng, để xây dựng Hải Phòng phát triển cân bằng giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh - xứng tầm với xu thế toàn cầu. |
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: Mô hình “Chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa (ứng dụng công nghệ số) trong sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi”; mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới trong sản xuất dưa vàng, quy mô 2,2ha tại Tân Liên, Vĩnh An, Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo (đang triển khai); mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh trong sản xuất rau ăn lá an toàn; quy mô 1000m2 tại Tú Sơn, Kiến Thụy,...
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã góp phần giảm sức lao động, chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản và tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân. Thu nhập bình quân của lao động trong nông thôn tăng từ 56,4 triệu đồng/người/năm (năm 2020) lên 67,2 triệu đồng/người/năm (năm 2023), tăng 19%. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 132 triệu đồng/ha (năm 2020) lên 140 triệu đồng/ha (năm 2022).
Hải Phòng đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu vụ Xuân năm 2023
Hướng tới nền nông nghiệp đô thị sinh thái
Bên cạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ thì nông nghiệp cũng được xác định là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế thành phố. Hải Phòng đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái trên nền tảng nông nghiệp của thành phố công nghiệp, du lịch và dịch vụ, cùng các vành đai sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, ngành sẽ bám sát các chỉ đạo của các cơ quan ở Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, trong đó tập trung vào xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Mô hình nuôi cá sông trong ao mang lại hiệu quả cao nhờ áp dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, thực hiện tốt quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, trên cơ sở xây dựng các quy hoạch đô thị; vùng gắn các đô thị với phát triển nông thôn. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng vùng (nội đô, ven đô, ngoại ô), phù hợp với hệ sinh thái.
Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn thành phố (giá so sánh năm 2010) phấn đấu đạt 15.864,41 tỷ đồng, tăng 1,02% so với ước thực hiện năm 2022. Trong đó, nông nghiệp đạt 10.199,78 tỷ đồng, tăng 0,28% so với ước thực hiện năm 2022; lâm nghiệp ước đạt 28,13 tỷ đồng; thủy sản ước đạt 5.636,5 tỷ đồng, tăng 2,39% so với ước thực hiện năm 2022. |
Cụ thể, vùng nông nghiệp nội đô chủ yếu ưu tiên để phát triển rau, hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh để tạo thành vùng chuyên canh cung cấp sản phẩm cho các khu đô thị, các khu công nghiệp. Vùng nông nghiệp ven đô tập trung phát triển mô hình theo hướng các vùng sản xuất cây rau, thực phẩm kết hợp với nhà vườn tạo vành đai xanh cho đô thị. Vùng nông nghiệp ngoại ô phát triển sản xuất chăn nuôi tập trung, sản xuất cây lương thực, cây ăn quả hàng hóa,...
Thành phố ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Luôn đảm bảo đủ nước phục vụ nông nghiệp, dân sinh
i vậy, thời gian qua tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ và đầu tư của Bộ NN&PTNT, thành phố và các sở, ban, ngành, Công ty Thủy lợi An Hải đã tập trung cho công tác sửa chữa, cải tạo nâng cấp nhằm vận hành hiệu quả các công trình phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, kết hợp tiêu thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không xả trực tiếp nước thải vào nguồn nước thủy lợi. Hàng năm, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt, Công ty triển khai thi công các công trình theo kế hoạch, hoàn thiện hệ thống bờ bao, cống đập hai bên bờ kênh để nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống đảm bảo yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và cấp nước thô phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế. Bên cạnh những mặt thuận lợi, Công ty Thủy lợi An Hải đang phải đối mặt với khó khăn tiềm tàng bấy lâu nay do quản lý chung nguồn nước với đơn vị thủy lợi của tỉnh bạn - Hải Dương; hơn nữa cao trình mặt đất tự nhiên của Hải Phòng cao hơn so với bên bạn, cho nên việc quản lý chất lượng và chủ động nguồn nước cho sản xuất đang gặp nhiều thách thức. Công ty rất mong lãnh đạo hai địa phương quan tâm và sớm có giải pháp thực hiện đồng bộ, triệt để mang tính lâu dài cho hệ thống. Đồng thời TP.Hải Phòng, các sở, ban ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi trong hệ thống An Hải để hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, tạo động lực thúc đẩy, góp phần đưa ngành Nông nghiệp Hải Phòng phát triển xứng tầm. “Nhìn lại thời gian qua, các công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp đã phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi An Hải, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tốt các yêu cầu về phòng chống thiên tai, bão lũ và từng bước cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới, ổn định đời sống của nhân dân các địa phương trong vùng”, đó là những nhận định đánh giá của lãnh đạo thành phố cũng như các cấp, các ngành ở các địa phương. |
Hà Thành (Vietnam Business Forum)