Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận những năm qua có những chuyển biến tích cực. Trong đó, các KCN đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng thời tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ông Sử Đình Vinh - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận đã chia sẻ với phóng viên về những nỗ lực này.
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Ban đã đạt được trong 10 năm qua?
Trong 10 năm qua, Ban luôn bám sát những định hướng của chính quyền, sở ban, ngành, từng bước tham mưu UBND tỉnh xây dựng và phát triển các KCN. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 KCN được thành lập gồm: Du Long (407ha), Phước Nam (370ha), Thành Hải (78ha). Bên cạnh đó, KCN Cà Ná hiện đang hoàn tất các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Du Long đã hoàn thiện san lấp mặt bằng 337ha, trong đó hoàn thiện đầu tư hạ tầng trên phạm vi khoảng 150ha đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp và đang tiếp tục hoàn thiện công tác san nền thêm 70ha. KCN Thành Hải được đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng gần 58ha từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trung ương và địa phương. Dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phước Nam chia làm 02 giai đoạn, đến nay đã san nền giai đoạn 1 đạt 85% khối lượng.
Ông đánh giá sao về những lợi thế tỉnh Ninh Thuận đang nắm giữ?
Có xuất phát điểm khó khăn, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt nhưng với ước mơ, khát vọng và tư duy phát triển mới, tỉnh Ninh Thuận đang đi lên từ chính tiềm năng, giá trị khác biệt của mình. Giờ đây địa phương đã có cả tầm nhìn, năng lực và động lực để phát triển nhanh hơn nữa. Chúng tôi vinh hạnh được là đối tác của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên chặng đường đi tới thịnh vượng. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành tiến bước cùng Ninh Thuận, cũng như mong mỏi các nhà đầu tư hãy cùng đồng hành cùng chúng tôi để phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, phải nhận định rằng, cùng với phát huy những giá trị đã đạt được, tỉnh cần tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI. Và thời gian qua, Ban đã luôn chú trọng nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), góp phần nâng cao Chỉ số PCI. Cụ thể, trong 02 năm gần đây (2022 và 20223), Chỉ số DDCI của Ban đã được nâng cao đáng kể, năm 2022 đứng thứ 18/28 sở, ngành; năm 2023 đứng thứ 5/27 sở, ngành.
Để đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của tập thể cán bộ, công chức (CBCC) BQL các KCN, là quá trình triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm (từ bước thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động đến triển khai phân công chi tiết từng bộ phận, từng cá nhân phụ trách từng chỉ số thành phần). Cùng với phương châm “hướng dẫn kỹ, giải quyết nhanh”, trong thời gian qua 100% thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp đã được Ban trả kết quả trước hạn và đúng hạn.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao quyết định chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trong KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng dự án tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vậy Ban đã có những giải pháp nào nhằm vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư vừa đảm bảo phát triển bền vững?
Ban luôn bám sát tinh thần định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy là tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp sản xuất hóa chất sau muối để khai thác lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gần với khu vực cảng biển và trung tâm logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP toàn tỉnh, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25 - 30%.
Theo đó, Ban luôn yêu cầu CBCC thực hiện nghiêm quy định, đề cao đạo đức công vụ. Trong khi thẩm định các dự án, phải chú trọng về công nghệ, yêu cầu về môi trường, phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, công nghệ được đầu tư mới,... nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro về ảnh hưởng đến môi trường.
Phải nhìn nhận thêm rằng, hiện nay, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN chưa cao, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN mới dừng lại ở cấp Nghị định, trong khi đó hoạt động của KCN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, nhà ở công nhân,... do đó gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi chính sách về KCN, thường xảy ra xung đột, thiếu thống nhất khi các quy định chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Thêm vào đó, một thực tế đặt ra hiện nay là việc biên chế và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước đối với KCN chưa được quy định cụ thể, còn tùy thuộc vào ý chí của từng địa phương (giao biên chế không đủ để kiện toàn tổ chức bộ máy khoa học, hiệu quả) nên chưa đảm bảo đủ mạnh về cơ cấu tổ chức, nhân sự trong việc triển khai các công tác quản lý đối với KCN. Do vậy, bản thân tôi cũng mong mỏi, đặc biệt là về phía Trung ương cần xây dựng Luật KCN, khu kinh tế (KKT), tạo khung pháp lý thống nhất (cả cơ chế chính sách và biên chế, tổ chức bộ máy,....) để tạo cơ sở về nhân sự, về môi trường pháp lý đủ mạnh trong quá trình xây dựng, phát triển các KCN trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI