Với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có phỏng vấn với ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.
46 năm xây dựng và phát triển, ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN. Một vài chia sẻ của ông về những thành tựu đạt được của ngành thời gian qua?
Ngay từ buổi đầu thành lập, ngành KH&CN cùng với nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận đầy khó khăn, thử thách. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành khác, ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, ngành tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, thời gian qua, ngành KH&CN đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và đạt được kết quả tích cực.
Về phát huy, tăng cường tiềm lực KH&CN, hiện nay tỉnh đang từng bước hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương, xây dựng kế hoạch và lộ trình thành lập Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế, đang đẩy mạnh tiến độ trình Đề án thành lập Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung. Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực KH&CN tỉnh Thừa thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Quy chế xét tặng Giải thưởng Cố đô về KH&CN,...
Về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, trên địa bàn tỉnh có 13 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 68 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Nhìn chung, các nhiệm vụ KH&CN đã trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành đã tổ chức thẩm định công nghệ một số nhà máy và tham gia ý kiến về công nghệ một số dự án đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ và cấp giấy phép doanh nghiệp KH&CN.
Cùng với đó là các chương trình, giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 như: Khai trương Sàn giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; ra mắt Làng công nghệ quốc gia AI tại Huế và đề xuất đồng Trưởng làng một số Làng công nghệ quốc gia,...
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường,... ngành KH&CN tỉnh đã cụ thể hóa bằng những chương trình, chính sách nào, thưa ông?
Đến nay, toàn tỉnh có trên 150 doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh (Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh). Điển hình, Công ty TNHH Một thành viên thực phẩm SEAFOOD nhờ hỗ trợ áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000, hệ thống truy xuất thông minh, đăng ký mã vạch sản phẩm và bảo hộ thương hiệu, năng suất tổng thể đã tăng lên 25%. Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công Thành năng suất tổng thể tăng lên 20%.
Bên cạnh đó một số doanh nghiệp như: Cơ sở sản xuất yến sào Huế Minh Trường, trang trại nông nghiệp công nghệ cao HaiFarm, dưa lưới Vinh Hưng, Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Khan Hân, Công ty CP 1-5, Nhà máy oxi Tứ Hạ, Hợp tác xã dầu tràm Lộc Thủy,... cũng đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, ứng dụng KH&CN vào đổi mới, cải tiến công nghệ trong sản xuất.
Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đã hình thành, thúc đẩy được phong trào tăng năng suất, chất lượng trong phạm vi toàn tỉnh.
Theo ông, để thực hiện thành công mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nào?
Thời gian tới, ngành KH&CN tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế, chính sách ứng dụng, phát triển KH&CN; xây dựng và đề xuất đưa Chương trình phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN làm chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030. Tăng cường đầu tư, phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng chuyển giao công nghệ trên mọi lĩnh vực.
Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên các giải pháp phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh hoạt động đăng ký, bảo hộ và khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích; Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất và hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và thành lập doanh nghiệp KH&CN; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ,...
Cùng với đó, cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiến tới nền hành chính thân thiện và hiện đại. Xây dựng chính sách ưu tiên doanh nghiệp mới tham gia phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh và cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI