QUẢNG NAM

Đổi mới xúc tiến đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

09:07:50 | 3/7/2024

Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Quảng Nam cũng đang nỗ lực đổi mới công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) và triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có những chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Tại Hội nghị Công bố Quy hoạch và XTĐT tỉnh Quảng Nam năm 2024, tỉnh đã trao 16 quyết định chấp thuận, chứng nhận đầu tư và thỏa thuận nghiên cứu với tổng vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về các con số này?

Trong 16 dự án được quyết định/ký biên bản ghi nhớ có 12 dự án mở rộng sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư đã hoạt động thời gian dài tại tỉnh và 04 dự án mới; các dự án đến từ Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Trong số 16 dự án có 01 dự án hạ tầng cảng biển, 02 dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và 13 dự án sản xuất công nghiệp. Đây là động lực mới, nhằm từng bước cụ thể hóa quy hoạch tỉnh về phát triển lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng các khu kinh tế, KCN, hạ tầng cảng biển.

Ngay sau Hội nghị, tỉnh đã nắm bắt thông tin, động viên và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án sớm triển khai. Tính đến tháng 5/2024, đã có 01 dự án được cấp phép xây dựng, 01 dự án đang lắp đặt máy móc thiết bị, 01 dự án đã được cấp đất. Riêng 02 dự án đầu tư hạ tầng KCN có diện tích lớn gồm 325ha và 400ha thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đang được các sở, ban, ngành phối hợp cùng với nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ trình các bộ, ngành Trung ương để thẩm định; làm cơ sở thực hiện các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch chi tiết, đồng thời cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ các thủ tục trong quá trình thực hiện dự án.

Để triển khai Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Quảng Nam đang đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư ra sao, thưa ông?

Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi thu hút đầu tư tại các diễn đàn, hội nghị kinh tế vùng miền cũng như tại các nền kinh tế lớn khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức hay với các thương hội, trở thành chất xúc tác mạnh, kéo các nhà đầu tư về với Quảng Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, kết quả việc xúc tiến và thu hút đầu tư cho phát triển của tỉnh còn khiêm tốn, phần nào cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng GRDP đã bị giảm đến 8,25% vào năm 2023.


Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Lương Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 

Với quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, việc triển khai Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án trọng điểm và những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Quảng Nam đã xây dựng 233 danh mục các dự án tương đối đầy đủ, bao quát trên mọi lĩnh vực thu hút đầu tư. Kế hoạch XTĐT thống nhất chủ trương: “Tạo cơ hội thay vì chờ đợi nhà đầu tư tìm đến”. Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Hiện Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao nghiên cứu chọn lọc 30 nhà đầu tư chiến lược, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và 5 tổ chức, hiệp hội quốc tế cần tiếp cận để tham mưu tỉnh thành lập các đoàn công tác đi làm việc trực tiếp trong giai đoạn 2024 - 2025. Riêng các nhà đầu tư nội địa, sẽ lựa chọn trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, chọn lọc 30 tập đoàn kinh tế, các công ty lớn trong nước có uy tín, có năng lực tài chính, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh để tham mưu, tổ chức các đoàn công tác đến làm việc trực tiếp.

Với quyết tâm, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới XTĐT, Quảng Nam sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian tới.

Tỉnh đã quan tâm phát triển doanh nghiệp thế nào, thưa ông?

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động; hàng năm có trên 1.150 doanh nghiệp mới thành lập. Để hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tỉnh đã thực hiện giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 3 ngày xuống còn 01 ngày về cấp phép thành lập kể từ tháng 10/2022; đồng thời đẩy mạnh việc cấp phép qua mạng, đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết đúng và trước thời hạn cho doanh nghiệp, người dân.


Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam (ngoài cùng bên phải) cùng doanh nghiệp khảo sát địa điểm đầu tư

Để tiếp tục hỗ trợ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận về một số chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những lĩnh vực liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, nhà ở.

Trên cơ só đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư, trong đó tập trung ở các thủ tục cấp phép đầu tư, giao đất, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, cấp nước, KCN, sân bay, cảng biển và hạ tầng xã hội theo quy hoạch tỉnh; đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư, chú trọng thu hút, mời gọi các nhà đầu tư quy mô lớn, chiến lược để tạo động lực lan tỏa.

Vị thế, vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư được thể hiện ra sao trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các nội dung triển khai cụ thể hóa trong thời gian tới?

Theo Quy hoạch được phê duyệt, dự kiến huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tối thiểu 630.000 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 208.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 422.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư công chiếm 20%, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 65% và nguồn vốn cho khu vực FDI chiếm 15%.

Việc huy động 80% nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển cho thấy doanh nghiệp, nhà đầu tư có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tầm nhìn và các đột phá chiến lược của tỉnh. Nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư có ý nghĩa hết sức quan trọng. Không những thế, việc khơi dậy nguồn nội lực, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành các dự án đang triển khai và doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh được cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)