Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, "thỏi nam châm" hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách địa phương. Giai đoạn tới, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hoá - xã hội và hạ tầng, các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng.
Xung quanh chủ đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, ngày 28/5/2024
Những năm gần đây, Ninh Bình đang tạo dấu ấn tích cực về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Góp phần vào thành quả trên, Sở đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào?
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư; trọng tâm nổi bật như:
Một là, luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, kiên định mục tiêu phát triển với phương châm “Rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm”. Chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn đặt mục tiêu cao, khát vọng lớn và kiên định, không chùn bước trước khó khăn, thách thức. Bám sát thực tiễn linh hoạt, hiệu quả trong xử lý công việc, nhất là công việc đột xuất phát sinh. Trong tham mưu điều hành phát triển kinh tế - xã hội, luôn xác định rõ các nguồn lực cần ưu tiên, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải; làm việc nào dứt việc đó.
Hai là, trong lĩnh vực quy hoạch, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy trình, quy định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024.
Ba là, triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư. Theo đó, trong lĩnh vực đầu tư công đã tập trung tham mưu UBND tỉnh phân bổ, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư công tập trung vào các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Kịp thời tham mưu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút xúc tiến đầu tư gắn với phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, định kỳ hằng tháng (vào thứ Năm của tuần cuối tháng), lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, trao đổi các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị gặp gỡ với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI,... để động viên, chia sẻ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình chính trị - kinh tế thế giới biến động. Đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng đa chiều, đa phương thức, thực chất và hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số (CĐS).
Nhờ vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 78 dự án, với tổng mức đăng ký đầu tư 6.700 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 167 lượt dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư sau điều chỉnh 65.684 tỷ đồng; có 2.264 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 42.955 tỷ đồng; đến hết năm 2023, toàn tỉnh có gần 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tháng 2/2024, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về tình hình, kết quả năm 2023 và phương hướng phối hợp lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự gắn với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh
Từ những tiềm năng, lợi thế đã định hình rõ nét sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, sự chuẩn bị về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực,… Ninh Bình sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn nào; quy mô và chất lượng dự án hướng tới ra sao, thưa bà?
Quy hoạch Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Quan điểm chung của tỉnh là tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách; sử dụng tiết kiệm đất và ít thâm dụng lao động; có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau:
Đối với lĩnh vực công nghiệp: Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực; phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng xanh, công nghiệp gắn liền với đô thị và dịch vụ. Tập trung thu hút nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp đồng bộ; hạ tầng logistics phục vụ công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp,.…
Đối với lĩnh vực dịch vụ: Tập trung thu hút những dự án dịch vụ, thương mại gắn liền với du lịch và phục vụ phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn khách lưu trú và sử dụng dịch vụ của địa phương; ưu tiên thu hút phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị tổng hợp, nhà hàng, khách sạn, resort cao cấp; các dự án du lịch có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và các khu vực cảnh quan, không gian thiên nhiên nổi bật. Tập trung thu hút 04 nhóm sản phẩm du lịch chính: (1) nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình; (2) nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; (3) nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng; (4) nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên và 03 nhóm sản phẩm du lịch phụ trợ: (1) Nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề về khám phá tự nhiên, lễ hội, ẩm thực; (2) Nhóm sản phẩm du lịch liên ngành: Du lịch MICE (gắn với sự kiện hội nghị, hội thảo), du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch giáo dục, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm phim trường…; (3) Nhóm sản phẩm du lịch liên vùng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản: Phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản đặc sắc, có lợi thế, giá trị thương hiệu cao (như phim trường, truyền hình, điện ảnh; kinh tế thể thao; sản phẩm thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch; tổ chức sự kiện, lễ hội; nghệ thuật đa phương tiện, nghệ thuật thị giác; thiết kế sáng tạo, kiến trúc, quảng cáo; bảo tàng, thủ công mỹ nghệ; phần mềm và trò chơi giải trí kỹ thuật số; kinh tế thương hiệu,...).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, tuần hoàn, đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp du lịch sinh thái cảnh quan. Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu, đặc trưng (OCOP) phục vụ du lịch, các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; phát triển các dự án theo chuỗi khép kín; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Ninh Bình nói riêng và khu vực nói chung
Để thực hiện các mục tiêu trên, đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa bà?
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện rõ chiến lược phát triển của tỉnh đã và đang tập trung triển khai thực hiện với “Một chiến lược” dựa trên “Ba nền tảng”, “Bốn trụ cột” phát triển kinh tế và 07 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, cụ thể:
“Một chiến lược”: Đưa Ninh Bình đến năm 2030 về cơ bản đạt tiêu chí, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
“Ba nền tảng”, gồm: (1) Giá trị văn hóa - con người - thiên nhiên Ninh Bình, nhất là tinh hoa văn hóa Cố đô, nguồn nhân lực chất lượng cao và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; (2) Hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị, hạ tầng “xanh”; (3) Thể chế quản trị địa phương cho phát triển, nhất là năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, liêm chính công vụ.
“Bốn trụ cột” phát triển kinh tế, đó là: (1) Phát triển du lịch là mũi nhọn; (2) Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực; (3) Công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản làm đột phá; (4) Nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ.
“07 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”, gồm: (1) Phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường là động lực cho tăng trưởng. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao. (2) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, CCHC, CĐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số đồng bộ; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. (3) Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô. Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. (4) Tổ chức không gian, phân vùng chức năng hợp lý; phát triển bền vững hệ thống đô thị; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị; đổi mới bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn hiện đại, giàu bản sắc. (5) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản trên cơ sở phục dựng và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. (6) Phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh. (7) Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trân trọng cảm ơn bà!
Đẩy mạnh CCHC, hiện 100% thủ tục hành chính được UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ và đã xây dựng quy trình điện tử áp dụng thực hiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Riêng đối với lĩnh vực đầu tư, đã thực hiện cắt giảm 7 ngày, tương đương 20% so với thời gian quy định. Năm 2023, Chỉ số PCI Ninh Bình đạt 67,83 điểm (tăng 3,61 điểm và tăng 25 bậc so với năm 2022), đứng thứ 19/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 6/11 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng. |
Ngô San (Vietnam Business Forum)
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI