VĨNH PHÚC

Vĩnh Phúc: Tạo động lực mới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế

13:36:03 | 19/1/2021

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các chương trình, giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum về chủ đề này. Hoàng Thắm thực hiện.

Vĩnh Phúc vừa khép lại nhiệm kỳ 2015-2020 bằng kết quả nổi bật nào về kinh tế và thu hút đầu tư; những thành tích này có ý nghĩa ra sao trong nhiệm kỳ 2020-2025, thưa ông?

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đạt và vượt tất cả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật về kinh tế và thu hút đầu tư gồm:

(1) Kinh tế tăng trưởng cao, bình quân 7,1%/năm, chất lượng tăng trưởng cải thiện, năng suất lao động tăng 8,38%/năm; quy mô kinh tế năm 2020 gấp 1,56 lần năm 2015, chiếm 1,7% GDP cả nước; công nghiệp đóng góp tới 4,5% giá trị công nghiệp cả nước; thu ngân sách khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm, đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa và là 1/16 tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về trung ương (47%).

(2) Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao. Thu hút đầu tư vốn FDI đạt 2,8 tỷ USD và vốn DDI trên 56 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2010-2015. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, tạo diện mạo đô thị, giao thông khang trang, hiện đại, đã triển khai thêm một số khu, cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (250 ha), Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (247 ha) và Cụm công nghiệp Đồng Sóc (75 ha), đưa Vĩnh Phúc tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư.

(3) Kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, kết cấu hạ tầng đồng bộ, khang trang, đời sống nông dân ngày càng cải thiện. Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ trương xây dựng, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu dân cư được sự đồng thuận lớn trong nhân dân, chất lượng môi trường sống tại nhiều vùng nông thôn, khu dân cư được nâng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn tỉnh.

Những kết quả đạt được đó rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều thách thức khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu từ đầu năm 2020. Đó cũng là tiền đề, động lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một số vấn đề mang tính chủ đạo, xuyên suốt về phát triển kinh tế: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khai thông điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp…”. Ông có chia sẻ gì xung quanh vấn đề này và các cấp chính quyền tỉnh sẽ cụ thể hoá như thế nào trong thời gian tới?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phương hướng phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ 2020-2025: Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đạt 80-85 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo đạt tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; thu nhập bình quân 130-135 triệu đồng/người/năm… Tỉnh cũng đã cụ thể hoá bằng 4 nhóm với 29 chỉ tiêu cụ thể, điển hình như: Tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9,0%/năm; thu ngân sách tăng 6 - 8%/năm; thu hút thêm vốn đầu tư (5 năm) 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Vĩnh Phúc xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời quyết 3 khâu đột phá: (1) thu hút, giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội ưu tiên thu hút phát triển khu, cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước; (2) đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn và (3) đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy,…

Riêng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc xác định: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khai thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ; huy động, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế hiện đại, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bản sắc gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao... Hiện nay cùng với việc đẩy mạnh quán triệt, phổ biến Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đơn vị cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn và các chương trình công tác hàng năm. Các chương trình, kế hoạch đều được yêu cầu xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phân công rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện... từ đó triển khai đồng bộ, hiệu quả để đem lại kết quả cao nhất.

Có thể khẳng định, nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi trọng, chỉ đạo quyết liệt công tác thu hút đầu tư, tập trung thực hiện tốt việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch và được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt của cả nước, dần khẳng định “thương hiệu Vĩnh Phúc”. Điều này không chỉ thể hiện qua các chỉ số Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn có thứ hạng cao mà còn là điểm hội tụ của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế, góp phần thúc đẩy Vĩnh Phúc phát triển năng động với nhiều chỉ tiêu phát triển đứng trong Top đầu cả nước.

Tỉnh cũng quán triệt và xác định rõ: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau. Do vậy trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030.

Tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính thực chất hơn; đổi mới xúc tiến đầu tư nhằm mang lại hiệu quả cao; tăng cường các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm nắm bắt, khai thông các “điểm nghẽn” về đất đai, mặt bằng, nguồn vốn,... đồng thời đẩy mạnh việc “xúc tiến đầu tư tại chỗ” thông qua việc sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ sớm đưa dự án hoạt động hiệu quả... quyết tâm và quyết liệt tạo những xung lực mới trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Qua 15 năm (2005-2020) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản xếp nửa trên của Bảng xếp hạng, đặc biệt 6 năm gần đây luôn trong top 20 tỉnh, thành phố có năng lực cạnh tranh tốt nhất. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục vào cuộc ra sao nhằm tạo sự bứt phá mới trong cải thiện chỉ số PCI cũng như thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ, thực chất hơn?

Trong 15 năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn nỗ lực nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Ở mỗi giai đoạn và trong cụ thể từng năm, UBND tỉnh đều ban hành, triển khai các kế hoạch, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương  vào cuộc tích cực để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần liên quan, nhất là các chỉ số đang có điểm số và thứ hạng thấp.

Trong 4 năm đầu (2006-2009) khảo sát chỉ số PCI tại 63 tỉnh, thành phố, Vĩnh Phúc đều đứng trong top 10; 4 năm sau đó (2010-2013) thấp hơn, có biến động tiêu cực, có năm chỉ thứ 43 (năm 2012); 3 năm tiếp theo (2014-2016) đứng trong top 10 và 3 năm gần đây trong top 20 tỉnh thành phố. Năm 2019, Vĩnh Phúc đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, giảm 4 bậc so với năm 2018, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Xem xét các chỉ số thành phần PCI của tỉnh những năm trước đây và năm 2019 cho thấy tốc độ cải thiện một số chỉ số có xu hướng chậm hơn so với một số tỉnh, thành phố dẫn đầu. Những chính sách cải cách, đổi mới có tác động đến doanh nghiệp và liên quan đến kết quả PCI chưa tạo sự đột phá. Một số chỉ số thành phần có trọng số cao sụt giảm, một số chỉ số không cải thiện được điểm số và thứ hạng… Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết do công tác cải cách thủ tục hành chính còn chậm, công tác tham mưu, đề xuất giải quyết một số nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chưa kịp thời. Bên cạnh đó là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án khó khăn, chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả chưa cao, chưa nhận được sự phối hợp từ phía doanh nghiệp…
Để tiếp tục cải thiện các chỉ số thành phần góp phần nâng cao điểm số thứ hạng chung của tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần liên quan, nhất là các chỉ số đang có điểm số và thứ hạng thấp như: Tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch.

Cùng với việc vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi; tỉnh cũng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh ứng dụng  công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, triển khai tốt các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công khai minh bạch thông tin về quy hoạch trên các phương tiên thông tin. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đường dây nóng và tăng cường tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Tin tưởng rằng với quyết tâm cao, sự nỗ lực của UBND tỉnh và hệ thống chính quyền trên địa bàn trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác điều hành, chỉ số PCI của tỉnh năm 2020 và các năm tiếp theo sẽ đạt được kết quả tích cực; qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum