BẮC GIANG

Ngành Ngân hàng sát cánh cùng địa phương phát triển kinh tế

11:11:47 | 28/12/2021

Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và định hướng phát triển của tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng kịp thời nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Không ngừng hoàn thiện và mở rộng mạng lưới

Khi mới chia tách và tái lập (năm 1997), hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Giang bao gồm: NHNN tỉnh và 03 ngân hàng thương mại: Công Thương, Đầu tư và Phát triển, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).


Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

Trải qua 25 năm song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Giang đã có sự trưởng thành vượt bậc về mô hình tổ chức và mạng lưới hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh gồm có: NHNN Chi nhánh tỉnh; 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; 01 Ngân hàng Hợp tác xã; 17 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM); 12 chi nhánh cấp 2 thuộc quản lý của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Bắc Giang và Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Bắc Giang II; 78 phòng giao dịch của các ngân hàng; 20 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Nguồn vốn huy động liên tục tăng trưởng qua các năm, đáp ứng được nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tính đến 17/11/2021, vốn huy động đạt 75.201 tỷ đồng, tăng 6.529 tỷ đồng, (tăng 9,51%) so với 31/12/2020. Các ngân hàng và QTDND không ngừng mở rộng cho vay tới tất cả các thành phần, ngành kinh tế, nhất là doanh nghiệp (DN) tư nhân, kinh tế hộ, DN vừa và nhỏ,… Đến 17/11/2021, quy mô dư nợ đạt 67.582 tỷ đồng, tăng 6.747 tỷ đồng, tăng 11,09% so với 31/12/2020.

Vốn tín dụng đã đảm bảo nhu cầu vốn cho SXKD thường xuyên của các DN; giúp đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, mở rộng và đầu tư mới các DN. Từ đó góp phần duy trì, phát triển hệ thống các DN trên địa bàn, nhất là các DN sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Mặt khác, vốn tín dụng tiếp tục đầu tư cho sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá như: đầu tư cho các vùng, đồi trồng cây ăn quả; chuyển đổi ruộng trồng lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản; phát triển sản xuất trồng trọt và chăn nuôi…

Bên cạnh đó, NHNN tỉnh cũng quan tâm tới công tác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến ngày 17/11/2021, dư nợ tín dụng đạt 5.333 tỷ đồng, tăng 709 tỷ đồng, tăng 15,3% so với 31/12/2020. Trong đó, tập trung cho vay các đối tượng: hộ nghèo; hộ cận nghèo; thoát nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình cho vay nhà ở xã hội…

Song song với đó, các dịch vụ ngân hàng liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống thì các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng như thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán điện tử song phương các NHTM, mở rộng thanh toán thẻ Visa, Master Card, ATM, gửi tiết kiệm trực tuyến, dịch vụ SMS Banking...

Công tác kế toán và thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện tốt, đáp ứng kịp thời với thủ tục đơn giản, nhanh và chính xác. Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt liên tục tăng qua các năm: Năm 2018 đạt 218.120 tỷ đồng; năm 2019 đạt 242.163 tỷ đồng; năm 2020 đạt 303.552 tỷ đồng. Từ số lượng máy ATM năm 2016 là 148 máy, đến nay tổng số máy ATM đã lắp đặt trên địa bàn là 213 máy.

Tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn

Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng thúc đẩy SXKD có hiệu quả, NHNN tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của DN, nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận vốn của DN trên cơ sở các chương trình hỗ trợ DN của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, kịp thời chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh công tác huy động vốn, tranh thủ các nguồn vốn có lãi suất thấp để đáp ứng nhu cầu vay của DN; thực hiện các biện pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin về các chương trình tín dụng, biểu phí, mức lãi suất, niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng… tạo điều kiện cho DN lựa chọn các loại hình dịch vụ, chi phí phù hợp, tiếp cận vốn vay.

Các Chi nhánh NHTM trên địa bàn đã chủ động tiếp cận DN, tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN trên địa bàn có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Mọi khách hàng đến giao dịch đều được cán bộ ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện tối đa về trình tự thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, đảm bảo đúng quy trình, rút ngắn thời gian giao dịch.

NHNN tỉnh đã phân công cán bộ trực đường dây nóng trả lời, giải đáp các ý kiến của khách hàng về thực hiện Thông tư 01, thông tư 14; Thành lập hội đồng miễn, giảm lãi tiền vay tại Hội sở và các chi nhánh loại II trực thuộc để kịp thời xét miễn, giảm lãi cho khách hàng vay vốn. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ vốn vay cho khách hàng và cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn cho các đối tượng khách hàng theo Thông tư 01 và Thông tư 14.

Để góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, NHNN tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung và đáp ứng vốn cho hoạt động SXKD. Đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.n

Nguồn: Vietnam Business Forum