Trên cơ sở rà soát các văn bản, quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, ngành Tư pháp Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Thay thế các quy định không còn phù hợp
Tỉnh Sóc Trăng xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, để môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi đòi hỏi hệ thống pháp luật phải thống nhất; có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích DN đầu tư và loại bỏ rào cản gây khó khăn, phiền hà cho DN. Trước yêu cầu này, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 24/5/2021 rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho DN.
Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp các sở, ngành rà soát 82 văn bản quy phạm pháp luật (26 Nghị quyết và 56 Quyết định) trong các lĩnh vực: đầu tư, đăng ký kinh doanh, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các nội dung khác liên quan đến DN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư; tài chính, giá, thuế, phí và các nội dung khác liên quan đến DN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tài chính; văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến DN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Xây dựng; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh, đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của một số đơn vị có liên quan.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 53 văn bản còn hiệu lực (11 Nghị quyết và 42 Quyết định); 23 văn bản hết hiệu lực (14 Nghị quyết và 09 Quyết định); 06 văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế (01 Nghị quyết và 05 Quyết định). Có thể thấy, một số văn bản “lạc hậu”, lỗi thời, không còn phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Đây là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ; xây dựng những cơ chế chính sách, quy định phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương nhằm thu hút, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Sóc Trăng tổ chức lớp truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân tại huyện Châu Thành
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 05 Nghị quyết về các chính sách có liên quan đến thu hút đầu tư, hỗ trợ DN còn hiệu lực và đang mang lại hiệu quả tích cực, gồm: (01) Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; (02) Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh; (03) Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh; (04) Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; (05) Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Bám sát yêu cầu cải thiện Chỉ số PCI
Việc thực hiện tốt công tác rà soát văn bản sẽ có tác động tích cực đối với hoạt động xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền và góp phần cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Sóc Trăng.
Năm 2019, Chỉ số PCI của Sóc Trăng hạng 53/63; năm 2020 tăng lên hạng 51/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này vẫn còn chậm so với các tỉnh trong khu vực và chưa đạt được kết quả như mong đợi của tỉnh. Vì vậy, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Về giải pháp, theo ông Phạm Tuân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành; tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để kịp thời đề xuất sửa đổi hay ban hành mới cho phù hợp.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến DN, đặc biệt văn bản quy định chính sách mới nhằm thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư cho DN, các chính sách về đất đai, thuế… tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nhanh chóng.
“Song song với đó, với nhiệm vụ được giao, Sở sẽ tập trung theo dõi thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực được dư luận quan tâm để kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phạm Tuân chia sẻ thêm.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI