Với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, tỉnh Vĩnh Phúc đề ra một số mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, trong đó GRDP tăng từ 8,5 – 9%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 31,2 nghìn tỷ đồng; thu hút 450 triệu USD vốn FDI và 10,5 nghìn tỷ đồng vốn DDI; giải quyết việc làm cho khoảng 16 – 17 nghìn lao động... Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh cũng đặt ra mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước”.
Để đạt được mục tiêu, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là: "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" và 1 trong 3 khâu đột phá được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất một cách toàn diện, trong đó chú trọng các vấn đề: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là tăng năng suất lao động, nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ cao; năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy nhanh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp để làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Cùng với đó, tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng bền vững: thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có; tăng cường công tác quản lý, vận hành theo đúng quy hoạch. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tạo ra một mạng lưới các công ty vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn; thu hút đầu tư, phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ giáo dục, logistic, tài chính - kinh doanh, du lịch, vận tải, dịch vụ khoa học và công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và bền vững; phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, bảo vệ quyền tài sản, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không phân biệt đối xử, đảm bảo tính bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và cơ hội kinh doanh; tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và hoàn thành việc thoái vốn N hà nước tại doanh nghiệp; đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ hoàn toàn khi đủ điều kiện; triển khai việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khai thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội: tập trung rà soát để loại bỏ những thủ tục, quy định đang gây khó khăn, cản trở các nhà đầu tư; khắc phục tình trạng ban hành những cơ chế chính sách mới không đảm bảo tính khả thi, không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả; xây dựng các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, huy động, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển cho nền kinh tế; phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính cấp tỉnh (PAPI) hàng năm nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) hàng năm thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung vào nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, tạo cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đổi mới công nghệ.
Đặc biệt, trước những làn sóng đầu tư mới, các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh cũng thay đổi linh hoạt theo từng giai đoạn, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Vĩnh Phúc tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Hoàng Thắm (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI