Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Lắk đạt 6,3%; năm 2022 đạt 8,94%. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động kinh tế - chính trị trên thế giới.
Doanh nghiệp ký kết hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Kiên Giang
Vượt thách thức
Theo thông tin từ sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh trong 05 năm 2016 - 2020 đạt 8,5%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2021, 2022, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ những đợt bùng phát dịch Covid-19, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát gia tăng. Song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng những nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,3%, năm 2022 đạt 8,94%. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đặc biệt, Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác thu hút và kêu gọi đầu tư. Với quan điểm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT), UBND tỉnh luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho các NĐT trong việc triển khai thực hiện dự án vào địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Đắk Lắk thu hút được 347 dự án đầu tư, với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 80.000 tỷ đồng. Một số lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh được nhiều NĐT lớn quan tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), phát triển đô thị, đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Các dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đã phát huy tốt hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, có thể kể đến các dự án điển hình như: 05 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Ea Súp với tổng công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 15.402 tỷ đồng, dự án Nhà máy điện gió Ea Nam của Tập đoàn Trung Nam, tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng,...
Bên cạnh đó, năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Sự kiện này là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân Vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là cơ sở để thu hút các NĐT quan tâm đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Những động lực mới
Nằm ở vị trí trung tâm Vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với Tây Nguyên và cả nước. Tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước; dân số khoảng 1,9 triệu người (chiếm 34% dân số Tây Nguyên, đứng thứ 10 cả nước). TP.Buôn Ma Thuột là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành đô thị trung tâm Vùng Tây Nguyên với các tuyến quốc lộ 14, 26, 27, 29 kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh miền Đông Nam bộ; đường hàng không kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước.
Bên cạnh đó, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sắp được đầu tư sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Tây Nguyên và kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ. Đây còn là tuyến vận chuyển nông sản của Vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới, khi đầu tư tại Đắk Lắk, NĐT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Bên cạnh những chính sách ưu đãi của Trung ương, NĐT sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Cụ thể, khi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, NĐT sẽ được hưởng ưu đãi miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với dự án tại các phường thuộc TP.Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với đất tại các xã thuộc TP.Buôn Ma Thuột; miễn 100% đối với các địa bàn khác.
UBND tỉnh cũng đã, đang nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đắk Lắk xác định cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng là một trong những giải pháp quan trọng để tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT triển khai thực hiện dự án. Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, NĐT được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện dưới nhiều hình thức như Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Ngày thứ Năm doanh nghiệp, Chương trình Cà phê doanh nghiệp, doanh nhân (02 tuần/lần), Chương trình Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,...
Công tác xúc tiến đầu tư từng bước đổi mới theo hướng xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng điểm, địa bàn phù hợp, NĐT chiến lược và các dự án có quy mô lớn. Đặc biệt, tỉnh quan tâm tới xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các doanh nghiệp đã đầu tư có hiệu quả trên địa bàn; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ. Qua đó, tiếp tục củng cố lòng tin của các NĐT đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới NĐT mới.
Nguồn: Vietnam Business Forum