Với việc bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, cũng như tổ chức triển khai một cách quyết liệt và hiệu quả, công tác CĐS của tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tập trung CĐS toàn diện
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Lắk, đến nay, hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu CĐS. Cụ thể: 100% cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành (cấp tỉnh); UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) được trang bị máy tính; 100% cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ và có kết nối internet băng thông rộng. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư giai đoạn 2 đạt chuẩn đảm bảo công việc quản lý, vận hành, cấp phát tài nguyên triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến cấp xã nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và kết nối thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương.
Về chính quyền số: 100% các cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử ký số, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 95%; cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống hội nghị trực tuyến ngày càng mở rộng số điểm họp (hệ thống được kết nối từ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đến 184 xã, phường), số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được triển khai đồng bộ.
Kinh tế số tỉnh Đắk Lắk bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/3/2022 hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để từng bước thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Về xã hội số: Mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 3G, 4G đến thôn, buôn; tỷ lệ người dân sử dụng internet là hơn 60%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh khoảng 57,07%. Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa; lập hồ sơ sức khỏe điện tử,…
Một trong những nguyên nhân giúp công tác CĐS của tỉnh diễn ra thuận lợi là vấn đề thể chế và sự quyết tâm cao trong chỉ đạo thực hiện. Theo đó, từ nhiều năm trước Đắk Lắk đã nhận thức rõ về vai trò của CĐS. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3331/QĐ-UBND về kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk thành Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh Đắk Lắk; ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2021 và năm 2022, UBND tỉnh đã ký kết biên bản hợp tác về CĐS với ba doanh nghiệp hàng đầu là: VNPT, Viettel, FPT.
Phấn đấu trong nhóm 20/63 tỉnh thành về CĐS
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số CĐS của tỉnh trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố.
Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng bình quân 7%; phát triển 20 doanh nghiệp số có quy mô từ 500 đến 1000 người); phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số (hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%). Đắk Lắk thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại A về an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Bộ TT&TT.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh tại TP.Buôn Ma Thuột. Ứng dụng, triển khai công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), dữ liệu mở (Open Data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo vào các giải pháp xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Về giải pháp, tỉnh đã triển khai dự án: Xây dựng hạ tầng CĐS tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, về hạ tầng, phát triển hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao theo hướng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo kết nối thông suốt 3 cấp hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, mở rộng các đối tượng liên quan tham gia một cách thống nhất, đồng bộ và tin cậy. Phát triển, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị họp trực tuyến của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi toàn bộ địa chỉ giao thức Internet thế hệ cũ (IPv4) sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN, máy tính, máy in, máy quét, thiết bị số hóa,...
Về phát triển các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số: Phát triển hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, từng bước tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.
Nâng cấp, duy trì, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc; cổng /trang thông tin điện tử của các cấp ủy đảng, chính quyền; triển khai số hóa sổ hộ tịch; nâng cấp và phát triển phần mềm “Quản lý công chứng” thành phần mềm “Quản lý CSDL công chứng, chứng thực”. Xây dựng phần mềm quản lý CSDL xử lý vi phạm hành chính; phần mềm đấu giá trực tuyến; duy trì, triển khai phần mềm quản lý và số hóa hồ sơ người có công với cách mạng; Kế hoạch triển khai hệ thống Quản lý tài liệu điện tử tỉnh và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng, phát triển CSDL các ngành, lĩnh vực đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk và bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với CSDL của các bộ, ngành Trung ương theo yêu cầu của Chính phủ.
Về phát triển kinh tế số: Đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về CNTT như VNPT, Viettel, Công viên phần mềm Quang Trung, AXYS Group, FPT,… để thu hút, kêu gọi đầu tư, thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số; hỗ trợ tối thiểu 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia Chương trình hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS (SMEDx). Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử đa dạng trên các sàn thương mại điện tử lớn (như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Postmart,…), nghiên cứu xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh Đắk Lắk để tạo thương hiệu riêng.
Về phát triển xã hội số: Xây dựng nền tảng cung cấp các khóa học cho người dân và doanh nghiệp; từng bước hình thành công dân số, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Triển khai, xây dựng hệ thống Wifi miễn phí tại các điểm du lịch, bệnh viện, bến xe của TP.Buôn Ma Thuột; các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.