Những năm qua, Kho bạc nhà nước (KBNN) tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Vũ Cao Sơn,Giám đốc KBNN tỉnh Bình Định |
Thu, chi ngân sách an toàn, hiệu quả
Ông Vũ Cao Sơn - Giám đốc KBNN tỉnh Bình Định cho biết: Thu và quản lý ngân quỹ NSNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KBNN. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo tổ chức tiếp nhận và nhập vào hệ thống theo dõi, quản lý dự toán thu, chi NSNN của các cấp, đảm bảo chặt chẽ, an toàn và hiệu quả. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan tài chính, thuế, các ngân hàng thương mại và chính quyền địa phương tháo gỡ, giải quyết kịp thời các tồn tại, khó khăn trong công tác thu, chi để tập trung nhanh chóng, kịp thời các nguồn thu, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự toán ngân sách và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Kết quả, lũy kế đến ngày 31/12/2022, thu NSNN đạt 15.669 tỷ đồng, đạt 128,42% so với dự toán năm được giao, giảm 9,17% so với cùng kỳ năm trước (năm trước đạt 137,59% dự toán). Trong đó, thu nội địa 14.790 tỷ đồng, đạt 132,83% dự toán, giảm 9,89% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất nhập khẩu 837 tỷ đồng, đạt 92,46% dự toán năm, giảm 72,1% so với cùng kỳ; thu đóng góp 42 tỷ đồng, (cùng kỳ năm trước thu 45 tỷ đồng).
Về chi NSNN, bám sát chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN, UBND tỉnh, KBNN Bình Định đã tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định; đồng thời, chủ động phối hợp với ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công.
Lũy kế chi thường xuyên đến ngày 31/12/2022: 11.299 tỷ đồng, đạt 88,5% dự toán năm, giảm 4,66% so với cùng kỳ. Kiểm soát chi đầu tư, tổng kế hoạch vốn: 20.312,5 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến ngày 31/12/2022 là 15.706,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 77,33% kế hoạch vốn năm, tăng 4,73% so với cùng kỳ. Ước chi đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 31/01/2023 đạt 100% kế hoạch vốn năm.
Trong năm, toàn hệ thống KBNN Bình Định đã thực hiện kiểm soát 459.107 lượt hồ sơ, chứng từ. Tất cả hồ sơ, chứng từ đều được kiểm soát đầy đủ, đúng quy định.
Tăng cường đổi mới, hiện đại hóa hoạt động
Thực hiện chủ trương hiện đại hóa ngành Tài chính, thời gian qua, KBNN Bình Định đã tăng cường đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ.
Hệ thống KBNN tỉnh đã thực hiện mở 35 tài khoản thanh toán và chuyên thu tại 7 ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, MBbank, LienVietPostBank, SeABank. Công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại giúp tập trung nhanh nguồn thu vào NSNN, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý ngân quỹ nhà nước, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Hiện nay, tỷ lệ thu, nộp các khoản thu NSNN qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt hơn 99%.
Ngoài ra, thực hiện Công văn số 1409/KBNN-CNTT ngày 30/3/2022 của KBNN về việc hướng dẫn triển khai diện rộng đợt 2 chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD), KBNN Bình Định đã chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nên công tác chuyển đổi dữ liệu hoàn thành sớm hơn tiến độ đề ra. Đơn vị đã hoàn thành chuyển đổi và thực hiện giao dịch 6.750 dự án, 100% chứng từ chi đầu tư xây dựng cơ bản được giao dịch trên Chương trình ĐTKB-GD giao diện sang TABMIS và các chương trình thanh toán đảm bảo nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Ông Vũ Cao Sơn - Giám đốc KBNN tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023, cùng với hệ thống KBNN, KBNN Bình Định xác định mục tiêu và phương châm: “Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng phục vụ khách giao dịch”.
Thời gian tới, KBNN tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác rà soát, hạch toán kịp thời và điều tiết chính xác các khoản thu NSNN; hạch toán nhanh chóng các khoản thu vào NSNN và điều tiết cho các cấp theo đúng tỷ lệ quy định. Duy trì việc tổ chức vận hành và khai thác tốt hệ thống TABMIS, TCS đảm bảo công tác kế toán, thanh toán và cung cấp số liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách trên toàn địa bàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng lấy người dân, đơn vị sử dụng ngân sách làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân. Duy trì và nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Năm 2022, kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt tỷ lệ là 82,23%, Chỉ số Đo lường sự hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) đạt tỷ lệ 86,73%, KBNN Bình Định là cơ quan dẫn đầu khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Duy trì công bố, công khai, cập nhật, niêm yết kịp thời các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, tăng cường hướng dẫn, giải thích, cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức giao dịch với KBNN. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói riêng và thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI