NINH THUẬN

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên miền đất nắng gió

13:59:07 | 13/12/2023

Nhắc đến Ninh Thuận là nhắc tới vùng đất đầy nắng - gió, là tiền đề để phát triển du lịch theo hướng khác biệt. Nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.

Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn nổi bật của ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận thời gian qua?

Ngay từ đầu năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin, quảng bá điểm đến du lịch, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tại tỉnh như: Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận (6/2023) tạo được dấu ấn tốt trong lòng nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, ngành cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới mang tính đặc thù, khác biệt. Đồng thời, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương như Bình Thuận, Lâm Đồng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa,...

Nhờ những nỗ lực trên, trong năm 2023, Ninh Thuận được đánh giá là điểm đến mới của du lịch Việt Nam. Tính đến tháng 9/2023, tỉnh đã có 205 cơ sở tương ứng cơ số phòng là 4.529, chưa bao gồm 20 homestay mới đi vào khai thác. Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đạt 2.670.400 lượt (tăng 21,7% so với cùng kỳ, đạt 98,9% so với kế hoạch). Trong đó, khách quốc tế đạt 29.600 lượt (tăng 268,2% so với cùng kỳ), khách nội địa ước đạt 2.640.800 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 2.170 tỷ đồng (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 114,2% so với kế hoạch).

Theo Kế hoạch 360/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành đã có phương hướng triển khai ra sao?

Trước hết, đơn vị đã tham mưu ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phối hợp các sở, ngành, địa phương kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực du lịch; xây dựng đề án nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ; triển khai quy hoạch phân khu các khu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc tỉnh Ninh Thuận,…

Theo đó, Ninh Thuận hiện đã và đang ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư tại 03 vùng trọng điểm ven biển phát triển du lịch là phía Bắc, phía Nam Ninh Thuận và trung tâm TP.Phan Rang - Tháp Chàm thuộc hệ thống Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, có tính cạnh tranh cao thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.


Giải đua thuyền Rồng truyền thống trên Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Để phát triển nhanh và bền vững du lịch địa phương, công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yếu tố cần thiết. Vậy ngành đã chú trọng công tác này như thế nào?

Có thể nhận thấy, trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã mang đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code, App du lịch, các trang mạng xã hội như Face book, Zalo, Fanpage, Youtube,... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không ngừng gia tăng khả năng tương tác để nắm bắt tâm lý, hành vi, nhu cầu, từ đó có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch phù hợp từng phân khúc khách.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 01-KH/BCĐCĐS để triển khai thực hiện chuyển đổi số; chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gia tăng tiện ích (điển hình như thẻ du lịch thông minh) cho người dân và khách du lịch. Triển khai xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu của ngành; xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm số hóa tại một số điểm đến tiêu biểu của tỉnh: Tháp Pô Klong Garai, Bảo tàng tỉnh, Hang Rái,… Cùng với đó là tăng cường quản lý điểm đến, giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao sức cạnh tranh, trên cơ sở tiếp tục chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai Quyết định số 518/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí phát triển du lịch xanh trên địa bàn; Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”...


 Du lịch biển ở Ninh Thuận luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch tỉnh có nút thắt nào cần tháo gỡ, thưa ông?

Sau đại dịch Covid-19, ngành luôn chủ động nắm bắt cơ hội, bằng nhiều giải pháp kích cầu, xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung khôi phục lại thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Nhưng phải nhận định rằng, thị trường khách quốc tế vẫn còn rất thấp so mục tiêu đề ra, tốc độ thu hút chậm so với trước thời gian đại dịch.

Để vượt qua những khó khăn này, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế. Tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách như: Festival biển, festival ẩm thực, lễ hội Nho vàVang, lễ hội trái cây, các hoạt động đường phố;... xây dựng và phát triển kinh tế đêm. Thu hút các nguồn lực xã hội nhằm tiếp tục chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế.

Về góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là thời điểm doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh và tái cấu trúc lại doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hàn Lương (Vietnam Business Forum)