Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng phát triển 02 Khu kinh tế (KKT) Chu Lai và KKT cửa khẩu quốc tế Nam Giang trở thành hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng và cả nước. Hiện tỉnh đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò của các KKT, khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn và hiện thực hóa tầm nhìn này. Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Trưởng Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam đã trao đổi với phóng viên về các nội dung trên.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế nổi bật của các KKT, KCN tỉnh hiện nay?
Quảng Nam hiện có KKT mở Chu Lai - KKT ven biển đầu tiên của Việt Nam được thành lập từ năm 2003 với tổng diện tích 27.040ha; KKT cửa khẩu Nam Giang nằm gần biên giới với nước bạn Lào tổng diện tích 31.060ha (bao gồm 02 xã Chàl Vàl và La Dêê thuộc huyện Nam Giang) và 13 KCN (10 KCN nằm trong KKT).
Ông Hoàng Châu Sơn, Phó Ban quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam (trái) trao quyết định khen thưởng cho doanh nghiệp
Với vị trí địa lý thuận lợi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện, trong hơn 20 năm qua, KKT mở Chu Lai và các KCN luôn có sức hấp dẫn với nhà đầu tư bởi nằm ở trung tâm của khu vực miền Trung và cả nước, đầu mối giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Hơn thế, hạ tầng giao thông với đầy đủ các loại hình như: Đường bộ (quốc lộ 1A, đường ven biển nối Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai - Dung Quất, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), cảng biển (Kỳ Hà, Chu Lai) và đường hàng không (sân bay Chu Lai) nên đảm bảo kết nối giao thông thông suốt.
Đặc biệt, bên cạnh nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công tương đối rẻ, Quảng Nam cũng có quỹ đất dành cho đầu tư phát triển công nghiệp, đơn giá cho thuê đất thấp; đồng thời sự xuất hiện của các sản phẩm và dịch vụ mới,… đã và đang ảnh hưởng tích cực đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Quảng Nam. Nhiều tập đoàn lớn như Thaco ngày càng tăng cường tự động hóa, ứng dụng số hóa tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ và tại nhiều công đoạn như sơn, lắp ráp,...
Hiện Thaco trong KKT mở Chu Lai đã, đang hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ. Trong tương lai, Thaco và các tập đoàn tư nhân khác của Việt Nam có cơ hội và đủ năng lực để hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại KKT mở Chu Lai.
Quảng Nam còn có triển vọng phát triển các ngành dịch vụ logistics, vận tải đường biển và đường hàng không lớn của vùng duyên hải miền Trung. Ngoài ra, mỏ “Cá Voi Xanh” có trữ lượng khí đốt lên đến 150 tỷ m3, đang được triển khai bởi Tập đoàn ExxonMobil và PVN sẽ cung cấp khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện ở địa phương và các tỉnh lân cận, chắc chắn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau hơn 2 thập niên phát triển, KKT Chu Lai và các KCN trên địa bàn có sự thay đổi ra sao, thưa ông?
Cách đây hơn 20 năm, Quảng Nam mới chỉ có 02 KCN gồm Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) và Thuận Yên (thành phố Tam Kỳ) thì đến nay đã có 13 KCN với tổng diện tích 3.527ha. Theo Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam có 29 KCN.
Hiện tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN là khoảng 9.487 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện 4.280 tỷ đồng (45% vốn đăng ký), trong đó 09 KCN đã đi vào hoạt động, 04 KCN đang bồi thường giải phóng mặt bằng. Các KCN đã được phê duyệt quy hoạch có tổng cộng 2.592ha đất công nghiệp đã cho thuê 934ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 36%.
Tại các KCN có 248 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 81.430 tỷ đồng, trong đó có 87 dự án FDI vốn đăng ký 27.782 tỷ đồng (1,43 tỷ USD) và 161 dự án trong nước với vốn đăng ký 53.648 tỷ đồng. Thu ngân sách của các KKT-KCN giai đoạn 2021 - 2023 đạt 53.363 tỷ đồng, chiếm trên 60% thu ngân sách tỉnh. Trong 3 năm từ 2021 - 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 344,2 triệu USD, giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 489,6 triệu USD.
Sân bay Chu Lai
Quảng Nam sẽ phát triển các KCN thế hệ mới theo mô hình sinh thái, xanh và hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo ra sao?
Giai đoạn hiện nay, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp từ “nhanh” sang “bền vững”, từ công nghiệp đơn thuần, đa ngành nghề sang đầu tư KCN chuyên ngành để hỗ trợ cho nhau như phụ trợ ô tô, dệt may. Đặc biệt, Quảng Nam khuyến khích đầu tư mới các KCN sinh thái, áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ, đồng thời phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp môi trường tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhằm hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp.
Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng phát triển các KCN mới ở phía Đông là loại hình KCN sinh thái, đồng thời ủng hộ các nhà đầu tư như Tập đoàn BIN Corporation, Tập đoàn WHA Corporation PCL,… nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư hạ tầng KCN theo loại hình sinh thái. Đối với các KCN đang hoạt động, sẽ khuyến khích chuyển đổi thành KCN sinh thái.
Để thu hút đa dạng đối tác, nguồn vốn đầu tư vào KKT, KCN, thời gian tới, bên cạnh tham mưu, hoàn thiện công tác quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, điều chỉnh các quy định còn đang vướng mắc, Ban Quản lý các KCN và KKT tỉnh sẽ chủ động trong nắm bắt xu thế hội nhập, tích cực xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, uy tín trong lĩnh vực công nghệ cao, dược liệu, linh kiện, thiết bị điện tử, các ngành công nghiệp sạch. Trong đó, ưu tiên các dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm công nghệ, có giá trị gia tăng và xuất khẩu cao.
Việc phát huy vai trò của Ban trong hỗ trợ, quản lý nhà nước đối với hoạt động sau đầu tư, sau cấp phép,... nhất là phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tại các KCN hiện nay ra sao, thưa ông?
Ban đã rà soát các vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư để giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3021/UBND-KTN ngày 26/4/2024, Ban đã làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện, kế hoạch triển khai dự án để đề xuất phương án tháo gỡ cụ thể đối với từng dự án, trên cơ sở đó, Ban giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Hiện Chu Lai là cảng hàng không cấp 4C, sân bay nội địa; có diện tích lớn nhất trong các sân bay Việt Nam với 2.006ha, nằm trong KKT mở Chu Lai. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023, Chu Lai được quy hoạch là sân bay quốc tế, quy mô cấp 4F (cùng với Nội Bài và Long Thành), công suất thiết kế đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm. |
Đối với việc xây dựng nhà ở công nhân trong KCN, Ban đang phối hợp với các địa phương đề xuất danh mục dự án đầu tư làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Một số nội dung cụ thể như: Đã tổ chức khảo sát nhu cầu về nhà ở đối với công nhân đang làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án đang triển khai, Ban cùng các sở, ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết hoặc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, đề nghị nhà đầu tư để dự án được triển khai thuận lợi.
Về đăng ký danh mục, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 01 dự án quy mô khoảng 01ha tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Ban đang triển khai các thủ tục tiếp theo để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ban đang tiếp tục rà soát quỹ đất trên địa bàn để báo cấp thẩm quyền, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong việc lập đồ án quy hoạch phân khu các KCN, khu đô thị, Ban cũng ưu tiên bố trí đảm bảo quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI