Bằng sự chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện quản lý chuyên môn như: quản lý, sử dụng tài chính; xây dựng bản đồ chi trả tiền; triển khai quy trình chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua hệ thống ngân hàng, kho bạc và các giao dịch điện tử;... Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt chính sách chi trả phí DVMTR, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Thạch Lam - Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Hòa Bình cho biết: Theo quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ DVMTR như nhà máy thủy điện, công ty nước sạch, cơ sở du lịch sinh thái… phải trả phí DVMTR. Nguồn thu này được dùng để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Quỹ BV&PTR Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 2642 ngày 31/12/2011 của UBND tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện những chính sách trên.
Giúp người dân gắn bó với rừng
Hòa Bình là tỉnh có diện tích rừng lớn, trên 347.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 98.000 ha nằm trong diện được cung ứng DVMTR với 21.970 chủ rừng. Tỉnh có hai lưu vực sông lớn là sông Đà và sông Mã gồm 9 nhà máy thủy điện; 2 doanh nghiệp cấp nước sinh hoạt, thuộc diện phải chi trả DVMTR.
Quỹ đã tích cực phối hợp với ngành Kiểm lâm, UBND các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các diện tích cung ứng DVMTR để kịp thời cập nhật biến động, đôn đốc việc nộp tiền của bên sử dụng DVMTR nên việc thu nộp luôn đạt hiệu quả cao. Năm 2019, tổng nguồn thu DVMTR đạt trên 30,1 tỷ đồng, trong đó: Quỹ Trung ương điều phối 21,3 tỷ đồng, thu nội tỉnh đạt trên 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Quỹ đã tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác chi trả tiền DVMTR cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Đến tháng 7/2019, Quỹ đã thực hiện chi trả cho toàn bộ các đối tượng cung ứng DVMTR với kinh phí 23,4 tỷ đồng, trong đó 60% chi trả thông qua tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 30% qua giao dịch điện tử Vietelpay, 10% qua Kho bạc và thanh toán trực tiếp tiền mặt (đối với một số hộ chưa mở được tài khoản).
Trong quá trình hoạt động, Quỹ BV&PTR Hòa Bình đã kết hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, chủ rừng và người dân địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, Quỹ còn thực hiện rà soát đối tượng sử dụng DVMTR làm cơ sở theo dõi, giám sát và thu tiền sử dụng dịch vụ. Qua 8 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã có tác động tích cực đối với đời sống người dân; nhận thức của các chủ rừng được nâng lên, công tác bảo vệ rừng được tăng cường và đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có nguồn thu từ rừng phần nào được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Thạch Lam, việc chi trả DVMTR tại địa phương đã thúc đẩy quản lý, phát triển rừng bền vững, bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái, chống lũ ống, lũ quét, đồng thời góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân. Song công tác chi trả DVMTR ở Hòa Bình còn gặp một số khó khăn, nhất là đối với việc chi trả cho các hộ dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong khi nhiều diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý chưa được giao hoặc khoán thì hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân trong vùng chi trả DVMTR còn sai khác so với bản đồ giao đất của cơ quan tài nguyên và bản đồ kiểm kê gây khó khăn trong việc xác định chủ rừng.
Đổi mới chi trả DVMTR
Trong những năm qua, Quỹ đã có nhiều đổi mới trong việc quản lý chi trả DVMTR, nổi bật là việc triển khai xây dựng bản đồ chi trả DVMTR và thực hiện trả DVMTR không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng và các giao dịch điện tử.
Ông Nguyễn Thạch Lam cho biết thêm: Cho đến nay, tỉnh Hoà Bình là một trong những địa phương đi đầu cả nước đã triển khai thành công việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR từ tháng 6/2019. Để có cơ sở chi trả tiền DVMTR, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập đoàn nghiệm thu số lượng, chất lượng rừng tham gia cung ứng DVMTR trên toàn tỉnh để xác định diện tích rừng được hưởng tiền DVMTR. Song bản đồ các lưu vực được sử dụng trước đây lại chưa được gắn với cơ sở dữ liệu kèm theo, đồng thời chưa tích hợp một cách đồng bộ các thông tin về hiện trạng tài nguyên rừng và chủ rừng. Việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế hoàn toàn phương pháp tiếp cận công tác nghiệm thu diện tích rừng theo phương pháp truyền thống. Các chủ rừng là tổ chức trên cơ sở chồng xếp bản đồ kiểm kê rừng, bản đồ theo dõi diễn biến rừng với bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực. Đồng thời, bản đồ cũng thiết lập hồ sơ quản lý rừng tham gia cung ứng DVMTR và xây dựng cơ sở dữ liệu đến từng lô rừng, gắn với chủ quản lý rừng trong chi trả DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh. Việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR trên địa bàn giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ, bảo đảm việc chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích, công khai, minh bạch.
Những năm gần đây, Quỹ còn đẩy mạnh thực hiện hình thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản thay hình thức thanh toán tiền mặt vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm các thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại và rủi ro trong chi trả tiền DVMTR cho cả bên chi trả và bên nhận tiền. Ðể người dân hiểu những tiện ích đó, Quỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng trên địa bàn thực hiện hình thức thanh toán chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, thanh toán điện tử. Quỹ đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo hạt kiểm lâm, các xã, phường, thị trấn phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR, hướng dẫn mở tài khoản. Ðến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh đã mở 1.215 tài khoản chi tiền DVMTR cho các chủ rừng. Trong quá trình thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, thanh toán điện tử có nhiều thuận lợi, nhất là giảm các thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại và rủi ro cho cả hai bên.
Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tăng cường hoàn thiện tổ chức hoạt động; tăng cường phối hợp giữa các ngành, tiếp tục nghiên cứu chính sách và thông qua thực tiễn triển khai địa phương để phát hiện những tồn tại, bất cập từ phía chính sách, kịp thời phản ánh kiến nghị với Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ chi trả DVMTR; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR sâu rộng đến người dân để người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tiền chi trả DVMTR, đảm bảo công khai, minh bạch.