VĨNH PHÚC

Xây dựng môi trường pháp lý và hạ tầng tốt nhất để phục vụ doanh nghiệp

13:40:21 | 19/1/2021

Tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực,… để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông đánh giá như thế nào về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc trong 5 năm 2016-2020?

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Vĩnh Phúc cấp mới cho 265 dự án với tổng vốn đầu tư 1.355 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 202 dự án với số vốn tăng 1.213 triệu USD; đưa tổng vốn thu hút đầu tư FDI cả giai đoạn đạt 2.568 triệu USD, mục tiêu đề ra là (100 dự án và 1.300-1.500 triệu USD). Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đứng đầu về số dự án thu hút mới và tăng vốn; trong thời gian tới dòng vốn đầu tư từ 2 quốc gia này còn tiếp tục tăng nhanh do KCN Thăng Long Vĩnh Phúc giai đoạn 2 và CCN Đồng Sóc mở rộng hoạt động. Việc có một số dự án mới từ các quốc gia như Hoa Kỳ và Thụy Điển cũng cho thấy tiềm năng thu hút đầu tư từ các thị trường mới, đặc biệt là Châu Âu và Hoa Kỳ.

Về vốn DDI, tỉnh đã cấp mới 223 dự án với tổng vốn 47.179 tỷ đồng, điều chỉnh 59 dự án với số vốn tăng 7.771 tỷ đồng, đưa tổng vốn đầu tư DDI thu hút cả giai đoạn đạt 54.950 tỷ đồng (mục tiêu 125 dự án và 13.500 tỷ đồng). Trong giai đoạn này đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn về nhà ở xã hội, hạ tầng cụm công nghiệp, đô thị, dự án khu du lịch sinh thái...
Như vậy, sau hơn 20 năm tái lập (1997), Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư trực tiếp với 1.245 dự án gồm 447 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6,039 tỷ USD và 798 dự án DDI với tổng vốn 96.560,7 tỷ đồng.

Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việc tổ chức, vận động xúc tiến đầu tư thực hiện bài bản, có định hướng, chương trình và kế hoạch rõ ràng. Việc quản lý cấp, điều chỉnh, chấm dứt hoạt động đối với các dự án đầu FDI thực hiện đúng quy định và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư vẫn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa thu hút được nhiều các dự án công nghệ cao; số lượng công nghệ chuyển giao còn thấp; hầu hết công nghệ của các dự án ở mức trung bình và khá, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu là gia công sản phẩm để xuất khẩu, còn có một số dự án tiêu tốn nhiều năng lượng…những hạn chế này sẽ được tỉnh tập trung điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn nào; quy mô và chất lượng dự án ra sao, thưa ông?

Về ngành nghề lĩnh vực kêu gọi đầu tư: Tỉnh ưu tiên thu hút dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, tham gia vào các tầng cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Các lĩnh vực ưu tiên thu hút như: Công nghiệp cơ khí gồm sản xuất ô tô, xe máy và linh kiện, phụ tùng hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, các dự án sản xuất vật liệu mới. Công nghiệp chế biến chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao; thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.

Về thu hút đầu tư theo địa phương và vùng lãnh thổ:

- Thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch (tổng thể, ngành quốc gia, vùng, địa phương), đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo; không thu hút đầu tư bằng mọi giá làm phá vỡ quy hoạch, không thu hút các dự án có giá trị thấp trên một đơn vị diện tích đất.

- Đối với một số địa bàn, khu vực liên quan đến vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, an ninh quốc phòng việc thu hút đầu tư sẽ được xem xét chặt chẽ, các vấn đề an ninh, quốc phòng, môi trường phải đặt lên hàng đầu.

- Các địa bàn có tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có hạ tầng kỹ thuật thuận lợi như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc tập trung thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại. Các địa bàn khó khăn hơn như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương bên cạnh các dự án phát triển du lịch cần tạo điều kiện thu hút các dự án có sử dụng lao động phổ thông, đơn giản để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.

- Tập trung các dự án sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp; đảm bảo tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp, tránh lãng phí đất đai và phá vỡ quy hoạch chung; quy hoạch một số khu sản xuất tập trung để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công ty xuyên quốc gia đầu tư vào địa bàn khu công nghiệp mới khi có đủ điều kiện thuận lợi.

- Đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút đầu tư từ nhiều thị trường, chú trọng các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và mở rộng các nước G7 để thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dịch vụ hiện đại, có hiệu ứng lan tỏa cao. Các tập đoàn lớn trong nước có uy tín, năng lực tài chính đã đầu tư thành công tại tỉnh; tích cực tìm kiếm, kết nối và kêu gọi tìm hiểu môi trường đầu tư và đầu tư với tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trong nước.

Về quy mô chất lượng của dự án:

- Chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án phù hợp.

- Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ, vừa, dự án quy mô siêu nhỏ nhưng đảm bảo điều kiện công nghệ, gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm.

- Thu hút dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, sử dụng đất hiệu quả, thân thiện với môi trường, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên thu hút các dự án FDI có quy mô lớn vào các ngành đột phá, trụ cột, trọng tâm là các lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, du lịch, dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao.

Để đón bắt xu thế hội nhập và đón bắt sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc đang chuẩn bị các điều kiện ra sao, thưa ông?

Tỉnh Vĩnh Phúc đã chuẩn bị một số điều kiện, bao gồm: Kiện toàn lại một số đơn vị để thành lập “cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh” cơ quan này sẽ do 1 lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách, để công việc xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư được thuận lợi và nhanh nhất; Hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư - bao gồm phạm vi các hoạt động xúc tiến đầu tư, cách tiếp cận, công cụ và các chỉ số hiệu quả FDI được sử dụng; Tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư, các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam; các phòng Công nghiệp và Thương mại nước ngoài tại Việt Nam; Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài để làm công tác xúc tiến đầu tư; Giới thiệu “Môi trường kinh doanh 4.0” ứng với nhu cầu kinh doanh trong kỷ nguyên số; Cải thiện thể chế chính sách, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành và chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên hiệu quả; Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trung ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; thu hút đầu tư chọn lọc, ưu tiên những dự án có công nghệ cao và thân thiện với môi trường; Kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch trong các buổi hội thảo, sự kiện lớn của tỉnh; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật chất lượng tốt phục vụ cho đầu tư;

Cùng với thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp, Vĩnh Phúc quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt được mục tiêu 3 tốt, đó là môi trường pháp lý tốt, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt.

Chỉ số gia nhập thị trường năm 2019 của tỉnh Vĩnh Phúc tăng mạnh từ 6,76 điểm lên 8,65 điểm, xếp 1/63 tỉnh, thành phố. Để tiếp tục cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã, đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào, thưa ông?

Theo đánh giá của VCCI, năm 2019 chỉ số Gia nhập thị trường của Vĩnh Phúc đã cải thiện mạnh mẽ của cả 10 chỉ tiêu thành phần đạt 8,65 điểm, tăng 55 bậc và 1,89 điểm so với năm 2018. Chỉ số này được UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi đánh giá, đây là chỉ số phản ánh sự hài lòng của doanh nghiệp về một số thủ tục như: Đăng ký kinh doanh, hoàn tất thủ tục cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh, tính công khai minh bạch của thủ tục đăng ký kinh doanh, sự am hiểu chuyên môn và tinh thần thái độ cũng như khả năng ứng dụng thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh… Kết quả trên là sự nỗ lực quyết tâm của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh. Việc chuyển thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh sang Trung tâm phục vụ hành chính công, thực hiện tốt công tác công khai minh bạch hóa, rút giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh cấp độ 3 và cấp độ 4 đã được doanh nghiệp đánh giá cao.

Trong thời gian tới Sở tiếp tục thực hiện tham mưu UBND tỉnh xây dựng triển khai kế hoạch để duy trì PCI của tỉnh, trong đó có cải thiện chất lượng của 10 chỉ tiêu thành phần Chỉ số gia nhập thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phấn đấu trong năm 2021 đạt trên 80% thủ tục đăng ký kinh doanh ở cấp độ 4; nâng cao chất lượng phục vụ, tạo hài lòng cho doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc: Động lực thúc đẩy thu hút đầu tư

Ngày 14/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, qua hình thức làm việc trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bấm nút khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)”.

Dự án Trung tâm Logistic ICD  là dự án có tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD do Liên danh Tập đoàn T&T Group của Việt Nam và Tập đoàn YCH của Singapore triển khai tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Clearance Depot - ICD) để phục vụ hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu thị trường.

Chức năng logistics, phục vụ nhu cầu giao nhận, xếp dỡ, lưu kho và phân phối hàng hóa; địa điểm trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai, các luồng hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai; Nơi lưu trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng cho các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang.

Chức năng cảng cạn ICD trung tâm sẽ đảm nhiệm chức năng điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực; đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu; Ga đầu mối hàng hóa đường sắt, đường bộ; Điểm trung chuyển giữa các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt.

Chức năng hỗ trợ dịch vụ gia tăng như các hoạt động sản xuất hỗ trợ: bao bì, giá, kệ hàng hóa, gia công sản phẩm theo yêu cầu chủ hàng; các dịch vụ hỗ trợ tài chính - ngân hàng, thuế quan, dịch vụ Showroom. 

Hiện chi phí logistics là rào cản lớn đối với sự phát triển của kinh tế và doanh nghiệp nên Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc phát triển ngành logistics và coi đây là hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao, đặt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.

Nằm trên diện tích 83 hecta,  Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm kết nối chính trong cho chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu và khu vực giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN, Ấn Độ và các thị trường quốc tế khác.

Nguồn: Vietnam Business Forum