PHÚ YÊN

Ngành Tư pháp: Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

08:18:06 | 2/2/2021

Những năm qua, ngành Tư pháp tỉnh Phú Yên đã tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và các cơ chế, chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Những nỗ lực trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực của DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Văn Trương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên về vấn đề này. Nguyễn Tùng thực hiện.

Ông Lương Văn Trương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên

Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong công tác cải cách TTHC của ngành Tư pháp tỉnh Phú Yên thời gian qua?

Công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và cải cách TTHC nói riêng luôn được Sở Tư pháp quan tâm. Hàng năm, Sở chủ động xây dựng Kế hoạch về CCHC nhà nước ngay từ đầu năm để làm cơ sở cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác CCHC đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, vấn đề cải cách TTHC của ngành Tư pháp luôn được chú trọng. Theo đó, Sở đã tiến hành rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết của 48 TTHC liên quan đến người dân, DN; tham mưu UBND tỉnh ban hành 8 Quyết định công bố danh mục TTHC, 1 Quyết định công bố danh mục TTHC bị bãi bỏ, 3 Quyết định công bố danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, giúp chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC nội bộ cơ quan.

Cùng với đó, cập nhật đầy đủ 141 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp lên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, Trang thông tin điện tử và niêm yết tại cơ quan, đảm bảo thuận tiện trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC cho cá nhân, tổ chức. Mặt khác, Sở đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, với việc triển khai thực hiện 19 thủ tục trên cổng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.

Nhìn chung, công tác CCHC, cải cách TTHC của Sở Tư pháp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc giải quyết TTHC kịp thời, công khai, minh bạch góp phần ngăn ngừa nhũng nhiễu; giảm bớt chi phí của cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC. Những kết quả trên góp phần cụ thể hóa mục tiêu: hướng đến hiện đại hóa nền hành chính, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và DN.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, quyết định nào về công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh và hiệu quả đạt được ra sao, thưa ông?

Trong giai đoạn này, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch công tác năm về hỗ trợ pháp lý cho DN, giúp các sở, ban, ngành, địa phương làm cơ sở triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN liên quan. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn ban hành các kế hoạch, chương trình hỗ trợ, phát triển DN như: Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 10/7/2018 triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Quyết định số 2067/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2019 - 2022 trên địa bàn tỉnh Phú Yên...

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 ban hành Quy chế công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh và nhiều quyết định, nghị quyết khác về hỗ trợ DN…

Thông qua đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được quan tâm, tổ chức thường xuyên, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN như: xây dựng, đầu tư, khoa học công nghệ, lao động, thuế…

Hoạt động giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mới của Trung ương, của tỉnh theo lĩnh vực được các cơ quan, đơn vị thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức: tờ gấp, bản tin, văn bản, email… Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cũng cập nhật kịp thời, đầy đủ các VBQPPL của tỉnh lên cơ sở dữ liệu quốc gia để DN khai thác miễn phí. Tổ chức, cá nhân đại diện DN và DN được tạo điều kiện thuận lợi đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng VBQPPL liên quan đến DN.

Các hoạt động giải đáp, thông tin pháp luật cho DN được triển khai thường xuyên, đa dạng về cách thức như: tại hội nghị, tọa đàm, đối thoại; giải đáp theo văn bản yêu cầu của DN; xây dựng các tài liệu “Hỏi - Đáp” về kiến thức pháp luật; xây dựng chuyên mục “Hỏi - Đáp” trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương... Khi nhận được yêu cầu tư vấn, giải đáp pháp luật thì cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xử lý và hoàn toàn miễn phí. Tỉnh cũng duy trì thường xuyên các buổi đối thoại với DN, “Cà phê doanh nhân” có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

Để giúp DN phát triển bền vững trong quá trình hội nhập, ngành Tư pháp đã có giải pháp nào về đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho DN trong thời gian tới?

Cùng với việc tiếp tục phát huy những kết quả hỗ trợ pháp lý cho DN trong thời gian qua, Sở Tư pháp sẽ bám sát các nội dung tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa cũng như các chương trình, kế hoạch của tỉnh, tình hình thực tế tại địa phương, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hoặc tham mưu UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động sau:

Thứ nhất, tăng cường hoạt động cảnh báo rủi ro pháp lý cho DN. Cụ thể, các cơ quan nhà nước thường xuyên rà soát các chính sách, VBQPPL của Trung ương, địa phương thuộc ngành mình quản lý, có khuyến cáo, cảnh báo cho DN nếu các văn bản có chứa nguy cơ rủi ro pháp lý khi DN thực hiện hoặc không thực hiện theo các văn bản này.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, dữ liệu VBQPPL của Trung ương và của tỉnh có liên quan đến hoạt động của DN. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường cung cấp các thông tin, quy định, chính sách thuộc ngành mình quản lý để DN nắm bắt kịp thời.

Thứ ba, tăng cường hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật liên quan đến hoạt động của DN. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thường xuyên các buổi tư vấn, giải đáp pháp luật cho DN, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Thứ tư, duy trì và tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động đối thoại, gặp gỡ với DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN; từ đó có giải pháp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum